Nên đi làm trước khi khởi nghiệp dù gia đình có điều kiện

[GG] Bạn đi làm tích lũy kinh nghiệm một thời gian rồi khởi nghiệp sẽ tốt hơn gấp nhiều lần với việc bạn vung tiền đẻ ra một doanh nghiệp ngay vừa mới tốt nghiệp. Câu hỏi đặt ra là bạn có đủ kinh nghiệm và kiên nhẫn phán đoán những rủi ro và khó khăn để lèo lái con thuyền của bạn về tới đích thành công?

Ngày đăng: 21-08-2014

2,577 lượt xem

Những kiến thức bạn học được trên ghế nhà trường nên được rèn giũa trong môi trường thực tế một thời gian. Ai cũng có thể làm kinh doanh nếu có tiền nhưng không phải ai làm kinh doanh cũng thắng và gặp may mắn. Những người kinh doanh thành công là những người vừa may mắn vừa có thực lực. Tuy nhiên, làm kinh doanh chúng ta không thể luôn trông cậy vào sự may mắn vì sự may mắn nằm ngoài tầm kiểm soát. Thứ chúng ta có thể kiểm soát được chính là thực lực của bản thân chúng ta: đó là kiến thức và kĩ năng - tất cả đều có thể được trao dồi qua quá trình học hỏi và cọ xát không ngừng.

Môi trường làm công hưởng lương cho chúng ta tính kỉ luật

Khi làm chủ, chúng ta thường hay tự cho mình quyền dễ dãi với bản thân, thì là tiền của mình mà, muốn làm gì tùy mình, khi nào làm xong tùy mình, hôm nay nghỉ ngơi mai làm cũng được. Nhưng môi trường làm công hưởng lương bắt buộc chúng ta phải nghiêm túc, hoàn thành công việc được giao đúng hạn định, nếu không sẽ có những hình phạt. Ngoài tính kỉ luật, chúng ta còn học được cách sắp xếp công việc một cách khoa học để hoàn thành mục tiêu công việc. Chúng ta còn học được hệ thống giám sát, hỗ trợ, thưởng phạt của cấp trên dành cho cấp dưới cũng như của hệ thống toàn công ty. Điều này rất tốt giúp chúng ta chọn lọc những phương pháp hữu ích áp dụng cho doanh nghiệp của chúng ta sau này. Ngoài kỉ luật về mặt thời gian và hạn định, nó còn giúp chúng ta cân đo đong đếm chi phí và ngân sách một cách hợp lý. Điều này rất quan trọng đối với một doanh nghiệp mới khởi sự.

Làm quen và mài giũa tính nhẫn nại kiên cường khi phải đối mặt với các tình huống khó khăn trong công việc

Bạn càng đi làm lâu năm, bạn càng tích lũy được nhiều kinh nghiệm xử lý tình huống. Đây là giá trị then chốt cho một hồ sơ xin việc của bạn. Không phải tự dưng nhà tuyển dụng thích tuyển một ứng viên có nhiều kinh nghiệm, đặc biệt là những vị trí cấp cao. Bạn càng muốn trở thành trưởng phòng, quản lý hay giám đốc (trong mọi ngành nghề) thì bạn càng phải có nhiều kinh nghiệm va chạm thực tế. Những tình huống xảy ra rất đa dạng, ví dụ: những mâu thuẫn giữa nhân viên các phòng ban, câu hỏi - thắc mắc - khiếu nại của khách hàng, quy trình thực hiện công việc gặp vấn đề, xử lý những quyết định sai lầm dẫn đến hậu quả nghiêm trọng ... Bạn càng có nhiều kinh nghiệm trải qua nhiều loại tình huống, khả năng giải quyết vấn đề của bạn càng nhanh và càng sắc bén. Một tình huống thường có vài cách giải quyết khác nhau và không phải lúc nào bạn cũng chọn giải pháp tốt hoặc đúng nhất. Cùng với thời gian và kinh nghiệm bản thân, bạn sẽ lựa chọn ra được phương pháp hiệu quả nhất.

Mở rộng nhiều mối quan hệ

Mối quan hệ là tiền bạc. Mối quan hệ được hình thành nhờ thời gian và hoàn cảnh. Tạo dựng 1 mối quan hệ đã khó, giữ nó tốt đẹp lâu dài còn khó hơn. Giữ một mối quan hệ cần nhất là chữ tín. Khi bạn có thật nhiều mối quan hệ tốt đẹp, bạn sẽ có rất nhiều sự giúp đỡ có thể biến ra tiền khi bạn bước vào con đường kinh doanh riêng. Và hiển nhiên, môi trường làm công hưởng lương sẽ cho bạn tiếp xúc với nhiều mối quan hệ phong phú khác nhau. Ví dụ công ty bạn muốn thành lập sau này cần có phòng kế toán, kinh doanh, thiết kế, còn gì tuyệt vời hơn khi bạn đi làm và kết bạn với những thành viên trong các phòng ban kế toán, kinh doanh và thiết kế của công ty hiện tại. Nếu bạn giỏi, bạn có thể kết thêm bạn của bạn. Và thế là bạn có một mạng lưới đủ rộng cho những dự định xa xôi trong tương lai của bạn. Đừng suy nghĩ thiển cận là, bạn học thiết kế, nên chỉ cần chơi với dân thiết kế là đủ. Khi làm kinh doanh, việc chơi với nhiều bạn bè ở những lứa tuổi, tầng lớp, nghề nghiệp khác nhau là rất cần thiết. Và nguồn vốn bạn phổ thông và đại học của bạn cũng chưa đủ đâu.

Sau vài năm miệt mài đi làm, ngoài kinh nghiệm và các mối quan hệ, bạn có thể tích lũy được một khoản tiền đầu tư cho các dự định tương lai của bản thân.

heartheartheart

Kết luận chắc nịch của mình là:

Theo ý kiến chủ quan của người viết vì một loạt các quyền lợi như trên, bạn nên đi làm trước khi khởi nghiệp dù gia đình có điều kiện. Đi làm cũng là một trải nghiệm thú vị không thua kém trải nghiệm khởi nghiệp kinh doanh của bạn sau này. Bạn sẽ có được bàn làm việc riêng và so sánh phòng ốc bàn ghế làm việc và cách bày trí của các nơi làm việc khác nhau. Bạn sẽ hiểu được bị sếp la có cảm giác thế nào, được khen thưởng và nhận lương tháng 13 nó sung sướng ra sao, rồi còn được đi du lịch với các thành viên trong công ty nữa chứ và đặc biệt là bạn được học hỏi và cọ sát bằng tiền của sếp, nếu có thất bại thì sếp cũng sẽ là người chịu trận đầu tiên giúp bạn. Và nếu là lỗi không thể dung thứ thì bạn bị đuổi việc. Không sao, bạn lại xách đơn đi tìm việc khác. Còn thật nhiều điều bổ ích và trải nghiệm khác nữa, thật đấy.

 

Một bài viết của deargiang

 

Blogger:GiangGina

Thành lập vào một ngày tháng 6/2014, deargiang.com là nơi mình chia sẻ mọi cảm xúc, kiến thức và mối quan tâm về Digital - Management - Travel cũng như các vấn đề về cuộc sống khác. Các bài viết trên deargiang một phần do mình viết, một phần do mình sưu tầm. Các bài viết này có điểm chung là những kiến thức, những câu chuyện, những quan điểm và những chia sẻ về cuộc sống có giá trị lâu dài. Mình hi vọng các chia sẻ của mình nhận được sự đồng cảm. Mọi đóng góp nếu có vui lòng gởi về email: gianggina@yahoo.com

Thống kê lượt xem

Tổng truy cập 1,307,007

Đang online1