Bằng MBA không thể giúp bạn đổi đời, điều đó đúng chăng?

[GG] Mình mới được đọc một bài báo trên vnexpress nói rằng: MBA là 'tấm áo đẹp', nhưng cần thực tế. Lại có những bài báo nói về vấn đề chảy máu chất xám. Bản thân mình cũng từng học MBA ở nước ngoài nên mình có đôi điều muốn chia sẻ.

Ngày đăng: 19-08-2014

2,563 lượt xem

Bằng MBA không thể giúp bạn đổi đời, điều đó đúng chăng?

Bất kì một tấm bằng nào đều có một giá trị nhất định của nó, không phải hiển nhiên mà có những khóa học nâng cao trình độ. Ngoài ra, mục đích học tập của mỗi người khác nhau và nguyên nhân thất nghiệp của mỗi bạn của có những lý do khác nhau. Mình muốn chia sẻ về trường hợp cụ thể của bản thân để các bạn có một cái nhìn thoáng hơn.

Chuyện học MBA đối với mình không phải là lý do để có một công việc tốt hơn với mức thu nhập cao hơn: 

Du học nước ngoài mới là lý do chính đáng để mình tin rằng, kiến thức và kỹ năng của mình sẽ được nâng cao hơn. Vì mình đã có bằng cử nhân trong nước, chẳng lẽ lại mất thêm 4 năm học một cái bằng cử nhân khác với chi phí cao hơn do học lâu hơn? Học MBA với khóa học 18 tháng tới 24 tháng là một giải pháp hợp lý đáp ứng đầy đủ nhu cầu du học lẫn thời gian và học phí của một con bé có 3 năm kinh nghiệm sau khi tốt nghiệp đại học tại Việt Nam.

Cho tới thời điểm hiện tại mặc dù gia đình mình kì vọng ở mình nhiều hơn những điều mình đang đạt được, dù bản thân cũng tự cảm thấy chưa đủ. Tuy nhiên nếu chịu khó nhìn lại quãng thời gian trước và sau khi đi du học để mà so sánh sự phát triển của bản thân khi cầm 1 tấm bằng MBA về nước, mình thấy được những trải nghiệm, kiến thức, kỹ năng, cơ hội công việc, thu nhập, sự tự tin ... của mình đã được nâng tầm rất nhiều. Mặc dù khi nhìn lên, có khá nhiều người khiến mình phải thèm thuồng và ao ước và có thể bọn họ không có được tấm bằng MBA quốc tế như mình, nhưng mình không hề hối hận.

Đi du học nước ngoài không phải là một sự lãng phí nếu bạn thật sự nghiêm túc học tập:

Không phải ai có được tấm bằng nước ngoài đều tài giỏi như nhau. Không phải ai được đi học nước ngoài đều nói tiếng Anh tốt và tốt như nhau. Bạn cứ hình dung trong 1 lớp học cấp hai của bạn tại Việt Nam với 50 học sinh, cũng phải có học sinh đứng nhất lớp và những học sinh đứng bét lớp mặc dù họ cùng học chung một lớp và cùng tiếp nhận kiến thức như nhau từ những thầy cô giáo giống nhau. Ở nước ngoài cũng vậy.

Ngoại trừ những bạn thi đỗ học bổng là những thành phần chịu học và có ý chí, không ít thì nhiều, không sớm thì muộn, bằng nhiều cách khác nhau các bạn ấy cũng sẽ tìm đến được thành công. Còn lại những bạn không dành được học bổng mà dùng tiền của gia đình để đi học, không phải bạn nào cũng có trình độ và ý thức trong việc học hành và nghề nghiệp tương lai như nhau. Nếu bạn sang nước ngoài học mà chỉ tập trung đi chơi, mua sắm, đại khái là tiêu tiền của cha mẹ cho sự tự do tung hoành của bản thân, bạn cũng thu lượm được kiến thức đấy, và bạn cũng có thể hoàn toàn không tốt nghiệp được và về nước bạn không dám chia sẻ với gia đình, bạn bè về sự thất bại của mình. Bạn có thể che lấp điều đó bằng một sự nói dối rằng mình đã tốt nghiệp. Khi bạn mở miệng ra nói tiếng Anh, mọi người sẽ phát hiện ngay. Có cảm giác như mọi thần dân du học nghiêm túc khác bị mang tiếng dùm bạn. 

Sự thành công của mỗi cá nhân được định nghĩa theo nhiều cách khác nhau: 

Ví dụ học MBA về đi bán cafe, điều đó có uổng phí? Mẹ thường hay mắng khéo mình đấy. Mẹ bảo đi học về là để xin vào công ty to với mức thu nhập khủng. Đi bán cafe thì cần gì du học với MBA? Mình nghĩ hoàn toàn khác mẹ.

Những kiến thức học được từ nước ngoài và từ khóa học MBA (Master of Business Administration) cho mình tầm nhìn, cách tư duy và kiến thức quản lý. Nói đâu xa xôi, ngay cả vấn đề học đại học trong nước cũng nhiều bài báo nói thất nghiệp rất nhiều. Rồi họ dẫn chứng những tấm gương tỉ phú thế giới không cần phải tốt nghiệp đại học. Vậy học nhiều để làm gì? Vậy hóa ra xã hội cần gì phải có trường đại học? Và các trường đại học cần gì phải mở thêm các lớp sau đại học cho bậc cao học hoặc tiến sĩ? (Chắc họ không biết rằng các tỉ phú ấy vẫn đi học đấy, là những khóa học ngắn hạn, và học từ thực tế, vì một lý do nào đó họ tạm rời xa trường đại học để nắm bắt cơ hội làm giàu, mấy ai thành công như tỉ phú?) 

Không có sự việc và hiện tượng gì sinh ra mà không có lý do. Ngay cả việc đi bán cafe của mình cũng có lý do. Hay cả việc mình chưa xin được việc như ý vào thời điểm sau tốt nghiệp cũng là có lý do. Căn bản bạn có biết và chịu chấp nhận những lý do đó hay không? Cả với những thất bại nếu lỡ có và bạn có cho rằng lý do thất bại nằm ở chính tấm bằng du học hoặc Master? Tính "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" - tức là lý do may mắn và tính thời điểm ảnh hưởng khá nhiều đến con đường sự nghiệp và cuộc sống của bạn.

Mỗi người đều có những cơ hội trong đời. Việc nắm bắt những cơ hội chỉ dành cho những người có sự chuẩn bị đầy đủ về kiến thức và tầm nhìn. Một người trúng vé số không học thức sau khi tiêu hết tiền cuộc đời của họ còn thê thảm hơn chính họ lúc chưa trúng vé số.

Học MBA giúp củng cố lại kiến thức và kinh nghiệm đã trải nghiệm, giúp bản thân tự tin hơn với những trải nghiệm mới:

Trình độ MBA chủ yếu là để đào sâu và củng cố vững chắc lại kiến thức mà bạn đã biết. Bạn có thể ồ à với những kiến thức học được ở khóa học MBA, đem so sánh ngầm với kiến thức ở bậc đại học, và những trải nghiệm thực tế mà bạn đã tích lũy trong vài năm đi làm vì nó giúp bạn lý giải một số nguyên lý nào đó.

Học MBA không phải là tấm vé giúp bạn có được cái ghế trưởng phòng và giám đốc ngay lập tức. Người tuyển cần những yếu tố kinh nghiệm thực tiễn, cách giải quyết tình huống thông minh, quan trọng là họ phải thấy tính cách, tầm nhìn, mục tiêu phấn đấu trong nghề nghiệp của bạn phải HỢP với vị trí mà họ đang cần tuyển. Người tuyển dụng không cần tuyển người giỏi nhất. Họ cần tuyển người HỢP nhất, về mọi mặt, bao gồm văn hóa công ty và tính cách của bạn.

Những ít ra, bạn có được sự tự tin hơn hẳn so với bản thân bạn trước khi được đi học. Cái bạn cần là một chút thời gian và định hướng lại tư duy công việc tại thị trường việc làm mà bạn đang nộp đơn tìm việc.

Quay trở về với câu chuyện bán cafe. Những kiến thức học được sau khi đi học ở nước ngoài giúp mình tự tin hơn. Ngôn ngữ giao tiếp tốt hơn. Cách tư duy tổ chức tiến bộ hơn. Kinh doanh cafe là một trải nghiệm để áp dụng những gì mình đã học. Được trải nghiệm những điều mình yêu thích theo mình là một thành công nhỏ. Các bạn đi du học hoặc tốt nghiệp MBA về vẫn có thể mở tiệm bán xôi hoặc bán trà chanh. Đó đều là những công việc chân chính, biết đâu làng nhàng thế nhưng thu nhập của bạn hơn hẳn mấy bạn trưởng phòng ngồi máy lạnh, biết đâu bạn mở được một chuỗi cửa hàng bán xôi có tên tuổi? Cách điều hành của các bạn được đi học và không được đi học khác nhau lắm.

Riêng mình, kinh doanh cafe là một sự trải nghiệm rất bổ ích và tuyệt vời. Tuy nhiên, mình thích làm một nhân viên quản lý chuyên nghiệp hưởng lương trong một công ty lớn và toàn cầu hơn. Và lẽ dĩ nhiên những trải nghiệm về việc điều hành một nhóm người, quản lý doanh thu chi phí ... là những bài học mà không một trường MBA nào có thể dạy được chi tiết và cụ thể đến thế để mình có thể áp dụng vào một tổ chức lớn hơn. 

Lý do sao mình không ở lại làm việc ở nước ngoài mà lại về nước?

Nhiều bạn cứ nói chảy máu chất xám, rồi là Việt Nam không biết trọng dụng nhân tài. Chẳng lẽ tất cả những người giỏi đều ở nước ngoài hết và những người dở mới quay trở về? Chỉ đúng một phần nhỏ là hầu hết những người tài giỏi nếu họ có cơ hội sẽ chọn ở lại nước ngoài để tiếp tục trải nghiệm và thăng tiến.

Việc đi hay ở không phải bạn muốn là được. Nói thẳng là mình rất muốn được làm việc ở nước ngoài. Tùy tình hình sau đó công việc như thế nào thì mình mới quyết định là định cư hay về nước. Nhưng lý do của mình nếu có chọn làm việc ở nước ngoài không phải là chê Việt Nam đãi ngộ không tốt. Việt Nam cũng có nhiều tập đoàn nước ngoài với các chế độ lương bổng và môi trường làm việc rất chuyên nghiệp. Mình muốn ở lại khoảng vài năm để học hỏi thêm kinh nghiệm ở môi trường nước ngoài và để rèn giũa bản thân hơn với mong muốn khi về nước, hồ sơ làm việc ở nước ngoài sẽ giúp mình tìm được một vị trí mơ ước dễ dàng.

Tuy nhiên, mình không tìm được công việc phù hợp với ngành mình học vì 2 lý do (mình học về marketing)

1. Họ cần người bản xứ hiểu thị trường, nói được tiếng bản địa.

2. Nhà nước ưu tiên tuyển dụng người bản địa để tránh tình trạng tỉ lệ thất nghiệp của nước họ gia tăng.

Vì vậy có rất nhiều luật lệ khiến việc xin việc ở nước ngoài với những người ngoại quốc rất khó khăn, trừ phi bạn rất giỏi và vị trí cần tuyển nhất thiết phải tuyển người nước ngoài vì người bản địa không thể đáp ứng vị trí công việc đó. Mình có tìm được việc trong một công ty rất lớn nhưng việc đó không liên quan gì tới kiến thức mình được học nên mình đã xin nghỉ việc và quyết định về nước. Mình không nằm trong nhóm "rất giỏi" để có được một công việc như mong muốn.

Mỗi người đều có những cơ hội trong đời:

Việc nắm bắt những cơ hội đó chỉ dành cho những người có sự chuẩn bị đầy đủ về kiến thức và tầm nhìn. Một người trúng vé số không học thức sau khi tiêu hết tiền cuộc đời của họ còn thê thảm hơn chính họ lúc chưa trúng vé số.

Mỗi một con người sẽ đều trải qua những thử thách, cột mốc trong công việc và nghề nghiệp khác nhau tất cả đều có lý do. Bạn được như ngày hôm nay vì bạn đã trải qua những sự việc trong quá khứ, có thể tốt, có thể xấu. Bạn đang làm những việc ngày hôm nay bạn phải làm và bạn phải hứng chịu một số chỉ trích, chỉ là để trở thành BẠN ở thì tương lai mạnh mẽ và kiên cường hơn mà thôi. Tương lai là điều không ai có thể đoán trước. Bạn chỉ cần làm tốt nhất những gì ở thì hiện tại nhé.

Bây giờ bạn sẽ trả lời như thế nào với câu hỏi "Bằng MBA không thể giúp bạn đổi đời, điều đó đúng chăng?"

GiangGIna


MBA-8127-1396407670.jpg

Blogger:GiangGina

Thành lập vào một ngày tháng 6/2014, deargiang.com là nơi mình chia sẻ mọi cảm xúc, kiến thức và mối quan tâm về Digital - Management - Travel cũng như các vấn đề về cuộc sống khác. Các bài viết trên deargiang một phần do mình viết, một phần do mình sưu tầm. Các bài viết này có điểm chung là những kiến thức, những câu chuyện, những quan điểm và những chia sẻ về cuộc sống có giá trị lâu dài. Mình hi vọng các chia sẻ của mình nhận được sự đồng cảm. Mọi đóng góp nếu có vui lòng gởi về email: gianggina@yahoo.com

Thống kê lượt xem

Tổng truy cập 1,306,901

Đang online2