Kinh nghiệm du học của Giang: cách vượt qua các trở ngại về ngôn ngữ

[GG] Các bạn nào có điều kiện được đi du học nước ngoài hẳn các bạn sẽ có cùng chung một số quan điểm về các chướng ngại vật mà các bạn đã từng gặp phải trong thời gian đầu làm quen với môi trường mới. Giang xin được chia sẻ một số kinh nghiệm của bản thân về vấn đề ngôn ngữ.

Ngày đăng: 21-07-2014

3,065 lượt xem

Singapore là một quốc đảo xanh sạch đẹp. Mỗi lần Giang có dịp quay trở lại Singapore thăm bạn hoặc vì công việc, ấn tượng về một đất nước xanh sạch này mãi mãi không bao giờ phai. Lý do mình chọn Singapore để đi du học đơn giản bởi vì con của bạn mẹ cũng đã đang học tại đây và chị ấy giới thiệu cho Giang học tại ngôi trường mà chị ấy đã đang học - Học viện EASB. Cũng giống như học viện MDIS, EASB liên kết với các trường đại học quốc tế từ Anh và Úc. Chương trình của mình học là chương trình Master về Quản Trị Marketing của trường Heriot Watt University - Edinburgh Business School. Sau 2 năm thì mình cũng đã lấy được bằng đem về khoe mẹ ;), kèm theo đó là rất nhiều câu chuyện lý thú về việc học hành, bạn bè và cuộc sống tại Singapore. 

Hồi mới sang mình không có nhiều bỡ ngỡ lắm, phần vì mình đã được đi du lịch sang Singapore từ trước. Đất nước Singapore đa chủng tộc, đa số là người gốc Trung Quốc và Ấn Độ sinh sống tại đây. Người Singapore nói tiếng Anh không chuẩn về cả giọng điệu và ngữ pháp như người Mỹ, Anh, Úc. Tuy nhiên tiếng Anh là ngôn ngữ được sử dụng giảng dạy tại nhà trường từ cấp mẫu giáo nên đa phần mọi người đều có thể nói tiếng Anh, chỉ thiểu số một số người già của thế hệ trước là họ giao tiếp được tiếng Anh rất ít, và họ giao tiếp bằng tiếng Mandarine Trung Quốc. Cũng có khá nhiều người thích nói tiếng Mandarine với nhau mặc dù họ biết nói tiếng Anh. Vì vậy trong khuôn khổ bài viết này, mình xin phép được cụ thể hóa việc vượt qua các trở ngại về ngôn ngữ ban đầu của mình tại đất nước Singapore.

Trở ngại thứ 1: Vốn từ vựng chuyên ngành

Mặc dù tiếng Anh bên ngoài không chuẩn lắm, nhưng trong môi trường giảng đường, thầy cô nói tiếng Anh khá chuẩn. Mình ban đầu không gặp mấy khó khăn về giao tiếp tuy nhiên, nghe giảng gặp khá nhiều từ chuyên ngành nên giai đoạn đầu cũng không hiểu mấy. Sách học của mình rất dày, ngay từ trang đầu tiên đọc là đã muốn không hiểu gì hết rồi. Phải nói là rất căng thẳng, các bạn nước ngoài bên cạnh sao không thấy họ gặp khó khăn gì hết trơn, đọc sách cứ vèo vèo, còn mình thì mãi mới đọc hiểu được một vài đoạn. Dấm dúi lật từ điển để tra mà không dám lật nhiều. Nhưng mà vì tính sĩ diện không tra thì chỉ thiệt mình mà thôi. Thế là mình quyết tâm gạt bỏ việc phải dấu dốt qua một bên, chịu khó tra từ điển nhiều hơn, chọn những góc thư viện ngồi không ai dòm ngó và ở nhà cũng tra lia lịa như vậy. Thật may mắn là những từ mới như vậy có tính lặp đi lặp lại hầu như nguyên quyển sách, và việc nhớ mặt chữ và ý nghĩa của nó dần dần trở nên dễ dàng hơn. Khi học nhớ được kha khá từ, mình nhận ra là số lượng từ mới dần dần ít đi. Và càng ngày, mình càng học được nhiều từ mới hơn rất nhiều. 

Trở ngại thứ 2: Kỹ năng nghe

Trong lớp mình có rất nhiều bạn từ Ấn Độ, một số từ Trung Quốc, rồi Hàn Quốc, Malaysia, Indonesia, South Affica, Việt Nam ... nên lớp mình cũng rất đa chủng tộc. Mỗi chủng tộc nói tiếng Anh ngữ điệu khác nhau. Tiếng Anh của người Singapore rất nổi tiếng nên được đặt là Singlish rồi. Còn những nước khác thì hình như chưa được đặt tên. Các bạn đừng lo lắng về việc học với nhiều sinh viên đến từ nhiều quốc gia khác nhau vì điều này rất tốt cho bạn rèn luyện kĩ năng nghe. Khi các bạn đi làm sau này, nếu các bạn có thể nghe được tiếng Anh của nhiều vùng miền khác nhau, đó sẽ là một lợi thế rất lớn của bạn.

Trước khi đi du học, mình rất ớn tiếng Anh của người Ấn Độ. Mới qua học gặp nhiều bạn Ấn Độ là mình bị dị ứng rồi, kiểu họ nói cái kiểu gì vậy? Vừa nhanh, vừa khó nghe. Mình khá ngại tiếp xúc với các bạn ấy ngoại trừ những giờ bắt buộc phải thảo luận nhóm trên lớp. Sau đó mình tham gia những đội nhóm thi thố học thuật với nhau. Nhóm học của mình có 1 anh chàng người Nam Mỹ, ui chao, nói tiếng Anh như tên bắn, mình đã phải thật tập trung mới lĩnh hội được, mà cũng còn mơ mơ màng màng.  Sau một thời gian tiếng Anh của mình đã cải thiện lên.

Tuy nhiên, giai đoạn đánh dấu sự tiến bộ rõ rệt trong kĩ năng nghe là nhờ 3 tháng cuối cùng trước khi về Việt Nam, mình đã làm trong call center của bệnh viện quốc gia Singapore ở vị trí nhận tiếp điện thoại của các bệnh nhân quốc tế để sắp xếp lịch hẹn với bác sĩ, đến nỗi giờ ngồi nhớ lại, mình cũng còn cảm giác sợ cái điện thoại reng liên tục. Giờ thì, tiếng Anh nào mình cũng có thể nghe được hết. Nghe tiếng Anh qua điện thoại từ nhiều vùng miền nói tiếng Anh khác nhau rất khó. Chắc nhiều bạn hiểu được điều mình nói mà. Giờ thì mọi chuyện đã trở thành một quá khứ đẹp rồi và kĩ năng nghe hiện tại của mình cũng đã tốt lên rất nhiều, tuy nhiên mình vẫn có một điểm yếu đó là khả năng ghi nhớ hết tất cả các thông tin được tiếp nhận, và đặc biệt là những kiến thức về con số. Bạn mà nói tiếng Anh về các con số một hồi là mình loạng quạng. 

Trở ngại thứ 3: Kỹ năng nói

Trước khi đi du học, mặc dù cũng đã đi làm nói chuyện tiếng Anh với sếp người Trung Quốc và người Đức hằng ngày, rồi tiếp xúc với bạn người Philipine này nọ, nhưng cũng không phải là được sống trong môi trường bắt buộc phải nói tiếng Anh nhiều như lúc sang Singapore du học. Việc bắt buộc phải giao tiếp nói chuyện với bạn bè khiến mình cảm thấy đôi khi bị bí từ để diễn đạt ý mình muốn nói. Và mỗi lần bí như vậy, mặc dù đã chuyển cách diễn đạt qua những câu văn dễ hơn nhưng trong lòng vẫn tức anh ách, vì cái ý đó, nếu mà đủ vốn từ vựng thì đã không phải diễn giải dài dòng như vậy. Thậm chí nhiều lúc, cũng muốn diễn giải dài dòng để họ hiểu lắm nhưng mà cũng không được, vì không có cách diễn giải nào khác ngoại trừ cách phải sử dụng cái từ vựng đó. Yếu điểm này hiện tại vẫn còn tồn tại với mình và cách khắc phục không gì khác ngoại trừ phải tăng vốn từ vựng của mình lên. Mình học từ vựng qua phim và qua các câu nói hay bằng tiếng Anh đọc được trên mạng. Đôi khi tự độc thoại với bản thân tự diễn giải một ý nào đó mà bí là lập tức tra google translate liền. 

Kết luận

Lúc nào Giang cũng muốn nói với các bạn rằng tự học là điều quan trọng. Bạn cần xác định cho được tầm quan trọng của việc phải có niềm đam mê học tiếng Anh. Niềm đam mê này giúp bạn không quá bị căng thẳng kiểu học để phải trả bài. Đam mê giúp kiến thức học được từ bất kể môn học nào sẽ trở thành của mình và phục vụ cho mình.

Có một lời khuyên dành cho các bạn chuẩn bị đi du học là: hãy tham dự các kì thi IELTS hoặc TOEFL quốc tế thay vì tham dự một bài kiểm tra trình độ anh ngữ tại trường mà mình chuẩn bị đăng kí theo học vì họ có xu hướng đánh giá trình độ tiếng Anh của bạn thấp hơn khả năng thật sự của bạn để bạn phải đăng kí theo học nhiều tháng tiếng Anh tại trường của họ trước khi được học chính thức chương trình chính. Đây là kinh nghiệm rút ra từ bản thân của mình khi mà sau khi tham dự kì thi kiểm tra của họ, mình được yêu cầu phải học thêm 6 tháng tiếng Anh. Mình đã khá shock và quyết định thi IELTs quốc tế thì kết quả là mình chỉ phải học thêm có 2 tháng tiếng Anh nữa thôi và mình đã được phép học song song tiếng Anh buổi sáng và chương trình MBA vào buổi chiều, thay vì phải tốt nghiệp chương trình tiếng Anh trước khi được học chương trình chính thức như thường lệ. Mình đã tiết kiệm một khoản tiền khá lớn cho ba mẹ mình đấy.

Còn bạn, còn chờ gì mà không chuẩn bị một hành tranh vững chắc cho mình trước khi lên đường đi du học nào. Hãy tìm hiểu thật kĩ đất nước mà mình sắp đến và chuẩn bị hành trang ngôn ngữ cho mình thật chắc nhé. Shock văn hóa và ngôn ngữ trong giai đoạn đầu là điều không thể tránh khỏi. Hãy không ngừng cố gắng vì bạn sẽ làm được. heart


Một bài viết của deargiang.com 

Click đọc thêm: Kinh nghiệm học tiếng Anh giao tiếp cơ bản của Giang <3

Blogger:GiangGina

Thành lập vào một ngày tháng 6/2014, deargiang.com là nơi mình chia sẻ mọi cảm xúc, kiến thức và mối quan tâm về Digital - Management - Travel cũng như các vấn đề về cuộc sống khác. Các bài viết trên deargiang một phần do mình viết, một phần do mình sưu tầm. Các bài viết này có điểm chung là những kiến thức, những câu chuyện, những quan điểm và những chia sẻ về cuộc sống có giá trị lâu dài. Mình hi vọng các chia sẻ của mình nhận được sự đồng cảm. Mọi đóng góp nếu có vui lòng gởi về email: gianggina@yahoo.com

Thống kê lượt xem

Tổng truy cập 1,306,884

Đang online6