Các Lưu ý Quan Trọng Khi Du Lịch Tự Túc NHẬT BẢN: TOKYO - KYOTO - OSAKA

[GG] Mình vừa trải nghiệm 9 ngày du lịch tự túc tại Nhật Bản. Cụ thể chuyến đi của mình đã diễn ra từ đêm 1/2 tới 10/2/2024

Ngày đăng: 15-02-2024

878 lượt xem

Nếu bạn nào theo dõi mình, sẽ biết được mình mong có một chuyến du lịch tới Nhật Bản cách đây mấy năm rồi nhưng không thực hiện được cho tới đầu năm nay. Mình đã tranh thủ lấy toàn bộ các ngày phép năm 2023 để thực hiện chuyến đi này. Lần đầu tiên du lịch tự túc, lại là đi một mình, đối với mình mà nói, là một thử thách và trải nghiệm không bao giờ quên.

 

Thủ tục làm Visa Nhật Bản

 

Trong chuyến đi này, mình đã nhờ một công ty nộp giúp mình Visa và làm các thủ tục phải làm khác với giá 2 triệu. Chi phí làm Visa Nhật mình chỉ phải đóng khi có kết quả đậu. Nếu rớt sẽ không phải đóng đồng nào. Thời gian nộp hồ sơ là 8/1/2024 và mình có kết quả vào buổi chiều ngày 17/1/2024. Visa của mình được phép ở lại Nhật Bản 15 ngày, có giá trị từ 11/1/2024 tới 11/4/2024 và chỉ được nhập cảnh một lần. Điều đó có nghĩa là, mặc dù lịch trình du lịch của mình đã lên từ đầu tháng hai, nhưng nếu muốn, mình có thể dời ngày sang tháng 3 mua hoa anh đào. Tuy nhiên mình đã bám theo lịch trình ban đầu với mong muốn được trải nghiệm một mùa đông tại Nhật Bản và ngắm Tuyết (mà rất tiếc là đợt này mình lại không được thấy Tuyết!)

Công ty mình sử dụng làm dịch vụ visa lần này đó chính là: https://www.facebook.com/NekotravelHồ sơ xin visa Nhật Bản của mình bao gồm:

- Lịch trình du lịch (Các bạn có thể copy paste từ một số trang web review du lịch tự túc. Mình đã dùng một lịch trình được đề xuất trên Klook)

- 2 hộ chiếu (cũ có đi nhiều nước + mới chưa đi đâu)

- Số dư sổ tiết kiệm 200tr

- Sao kê 6 tháng ngân hàng HSBC (Ngân hàng nhận lương)

- Sao kê 6 tháng ngân hàng VCB (Ngân hàng chính mình sử dụng hàng ngày)

- Công chứng CCCD

- Công chứng hộ khẩu

- Hai ảnh 3.5cm x 4.5cm nền trắng

- Công chứng hợp đồng mua bán sở hữu căn hộ

- HĐLĐ có dấu mộc công ty

- Giấy nghỉ phép có dấu mộc công ty và chữ ký HR Director.

- Tờ khai lý lịch VISA NHẬT, cung cấp bởi công ty làm dịch vụ Visa cho mình.

Là mình khi vừa đặt chân xuống Tokyo. Chuyến đi này rất tiếc là mình không được nhìn thấy tuyết tại Tokyo. Mình có nghe kể là tại Tokyo có tuyết vào hai ngày là thứ hai và thứ ba, nhưng rất tiếc là hôm đó, mình đã di chuyển và đang ở tại Kyoto. Tuyết rơi ở Tokyo đúng hai ngày, sau đó nhiệt độ ấm dần lên nên tuyết cũng tan chảy hết. Sau chuyến đi này, mình không nghĩ là sẽ đi du lịch vào mùa đông nữa. Các lần đi du lịch trước mình cũng chọn mùa đông như đi du lịch Hàn và Trung Quốc, mình đều không được thấy tuyết. Tuyết luôn canh me lúc mình vừa dời đi tới một địa điểm khác thì nó mới chịu rơi! Mình cũng bó tay luôn rồi. Đi mùa đông đồ đạc vô cùng lĩnh kỉnh. Nội vác hai cái áo khoác cũng chiếm toàn bộ va li của mình.

 

Vé máy bay và Khách sạn tại Nhật Bản

 

Để có được chi phí tốt, mình khuyên các bạn nên book khách sạn sớm trên agoda.com. Hầu hết các khách sạn đều có lựa chọn chỉ phải thanh toán trước một ngày dự kiến, nên nếu như Visa của mình mà bị trục trặc gì, mình vẫn có thể hủy phòng không sợ mất phí. Việc book vé và khách sạn sớm, đã giúp mình có được những deal hời ở những khách sạn xịn xò. Riêng vé máy bay thì phải đợi khi nào có kết quả visa đậu, mình mới dám book. Mình đã chọn chuyến bay thẳng 6.5 - 7 tiếng ban đêm để ngủ trên máy bay. Khi đến Nhật thì đã sáng và sau khi làm tất cả các thủ tục nhập cảnh tại sân bay, mua sim card và lấy vé di chuyển tàu điện tại các trạm subway, mình có thể check in vô tư phòng khách sạn lúc 3pm. Mình dùng Travelloka để đặt vé nên không quan trọng là bay hãng nào. Mình chủ yếu chọn hãng nào có chi phí tốt nhất và thời gian bay phù hợp với lịch trình của mình thì mình book thôi. Đợt vừa rồi, mình chọn bay Vietjet. Giá vé khứ hồi của mình rơi vào tầm 10 triệu, trong đó chiều đi 3 triệu, chiều về 7 triệu. Nếu mình chọn đi sau Tết hoặc trong Tết, giá vé sẽ mắc hơn nữa.

Khách sạn Lightning tại TOKYO hai ngày đầu tiên của mình. Khách sạn ở ngay khu trung tâm nên rất thuận tiện. Đây là khách sạn con nhộng đầu tiên mình trải nghiệm. Họ chia ra hai khu vực Nam Nữ rõ ràng. Thanh máy cũng phân chia ra một cho Nam, một cho Nữ. Mình chọn khách sạn này vì thiết kế tối giản, sáng sủa và đặc biệt lối đi rộng rãi. Mình được bố trí ngủ tầng dưới nên không phải leo trèo. Trong phòng có TV, hai móc quần áo, góc sạc pin, nệm, gối và chăn. Toàn bộ khách sạn có máy sưởi ấm áp. Khu nhà vệ sinh và phòng tắm riêng, mặc dù dùng chung tập thể nhưng có rất nhiều phòng và sạch sẽ, thông thoáng. Khách sạn này mình chỉ phải trả 1.250.000 vnd trong vòng 2 đêm.

Mình đã chọn Khách sạn APA Hotel Asakusa Tawaramachi Ekimae cho đêm thứ ba của mình tại Tokyo. APA vô cùng phổ biến vì có rất nhiều chi nhánh tại Tokyo và hầu hết APA đều có vị trí cạnh ga tàu, thuận lợi cho việc di chuyển). Khách sạn này của mình cũng vô cùng gần Lightning Hotel khiến việc di dời hành lý của mình cũng dễ dàng.

Phòng trong khách sạn APA có sự riêng tư, giường Queen size, có phòng tắm kết hợp toilet riêng tư, có cả bàn làm việc, một tấm gương lớn và view thành phố. Đặc biệt APA có khu vực tắm ONSEN dành cho các bạn muốn trải nghiệm hình thức tắm tập thể tại Nhật Bản. Khách sạn này mình trả 1.000.000 vnd/đêm

Trong chuyến đi này, ban đầu mình chỉ dự định đi từ 1/2 tới 7/2/2024 là bay về nhưng do có việc đột xuất, mình phải đối vé máy bay và mình phải đóng thêm một khoản phí vé chênh lệch. Mình bay Vietjet và mình phải sử dụng số điện thoại chính chủ thực hiện cuộc gọi đường dài từ Nhật về Việt Nam thì nhân viên hãng bay mới cho đổi vé, và chi phí đổi vé sẽ được nộp bằng tiền mặt tại sân bay khi mình quay về (sân bay không cho cà thẻ).

Mình đã chọn The Hedistar Hotel tại Kyoto cho đêm duy nhất của mình tại Kyoto vì cảm thấy khu vực Comic Book vô cùng quyến rũ. 

Cũng như APA, khách sạn có toilet và phòng tắm riêng tư, có TV riêng và quầy bar mini, tuy nhiên giường nhỏ hơn do phòng nhỏ hơn. Tại đây, khách phải đóng thêm khoảng 200 YÊN tiền thuế. Khách sạn này mình đã trả 700.000 vnd/đêm

Vì khách sạn quá dễ thương nên mình không thể không chụp một tấm hình làm kỷ niệm.

Khách sạn này tên là Hotel Cargo Shinsaibashi, 2-6-3 Bakuromachi, chuo-ku shinsaibashi, Shinsaibashi, Osaka, Japan 541-005.Phòng con nhộng này rộng rãi hơn Lightening Hotel, mà lại còn có khu vực ONSEN cho bạn nào thích tắm Onsen nha. Mỗi tội leo lên lầu 1 quầy tiếp tân hơi cực một chút nhưng bù lại khách sạn ở ngay khu vực trung tâm, khá tiện cho du  khách đi khắp nơi. Khách sạn này mình đã trả 1.330.000 vnđ cho hai đêm tại Osaka.

Việc đổi vé máy bay khiến phát sinh thêm chi phí ăn ở mới. Các khách sạn mình muốn book lại đợt trước đều tăng giá gấp đôi hoặc không còn phòng trống. Phòng mình chọn ở giây cuối cùng là phòng con nhộng vô cùng chật chội và lại không có thang máy và đó là sự lựa chọn tốt nhất trong tầm giá mình chấp nhận chi trả. Điều an ủi duy nhất là mình đã có tận 5 cơ hội ở 5 khách sạn khác nhau.

Khách sạn hai đêm cuối cùng của mình tại Tokyo trước khi về nước. Hoàn toàn không có thang máy! Bạn nào phải vác vali cồng kềnh thì không nên book khách sạn con nhộng này. Nên book Lightning OK hơn nhiều. Khách sạn này mình đã phải trả 2.173.000 vnđ cho hai đêm cuối tại Tokyo.

Mặc dù agoda.com không xuất thuế VAT cho mình, chỉ xuất biên nhận và vẫn có giá trị kê khai chi phí hợp lý nhưng mình vẫn chọn book hotel trên đây vì sự đa dạng. Travelloka không có nhiều sự lựa chọn bằng nên mình chỉ sử dụng dịch vụ của Travelloka để mua vé máy bay mà thôi.

 

Chi phí đi lại tại Nhật Bản 

 

Vé tàu nhanh Shinkansen khác với vé tàu điện đi lại trong trung tâm thành phố

Mình đi chuyến này chỉ mang theo 35.000 Yên tiền mặt. Tỷ giá 1 YÊN vào khoảng 170 VND. Thật ra với số tiền mặt này sẽ là không đủ nhưng mình xác định tất cả các khoản mua sắm nếu có, mình sẽ cà thẻ tín dụng HSBC và toàn bộ tiền mặt mình sử dụng chủ yếu đẻ ăn uống. Ngay cả tiền mua vé tàu nhanh Shikansen mình cũng cà thẻ tín dụng. Ở Nhật, phương tiện đi lại thông dụng và rẻ nhất có lẽ là tàu điện. Taxi rất mắc mỏ. Nếu mình chỉ mất chưa đến 300.000 vnd cho vé Tokyo Subway ticket - là vé tàu điện đi không giới hạn các điểm đến tại Tokyo trong 3 ngày thì với taxi, mình có thể phải mất 600.000 vnd di chuyển từ điểm A sang điểm B trong vòng 40 phút, mà nếu đi tàu điện 40 phút đó chỉ mất 10 phút. Mình đã thử nghiệm một lần đi taxi tại Nhật Bản và số tiền mình phải trả cho bác tài khiến mình nhớ mãi.

Nhìn chung các trạm tàu điện tại Nhật Bản đều có phiên âm ra tiếng Latin tên các điểm đến. Na ná như hệ thống tàu điện tại Singapore nhưng không hoàn toàn tiện lợi như Singapore. Tức là du khách có thể sử dụng google map và gõ địa chỉ điểm đến, toàn bộ hướng dẫn bắt đầu đi từ trạm nào qua trạm nào sẽ được hiển thị, tuy nhiên bản đồ và cách hướng dẫn đi lại ở Nhật không có dễ hiểu như ở Singapore. Mình rất nhiều lần đọc không hiểu bản đồ của họ, phải hỏi rất nhiều người trên đường đi. Có một cái khổ nữa đó là, người dân Nhật Bản rất yếu tiếng Anh. Hầu hết những người mình hỏi đều rất trẻ nhưng họ cũng không rành tiếng Anh. 

Shinkansen

Tàu điện thường tại Nhật Bản. Với thẻ Tokyo Subway ticket không thể đi được tàu điện nhanh Shinkansen. Muốn đi tàu Shinkasen phải mua vé riêng và loại tàu này thường được áp dụng cho những tuyến di chuyển đường dài từ thành phố này qua thành phố khác.

Để cụ thể một ví dụ minh họa, mình xin được kể lại hành trình ngày thứ 4 của mình, là ngày mình phải di chuyển từ Tokyo sang Kyoto. Lần đầu tiên phải di chuyển từ thành phố này sang thành phố khác, mình đã phải mò mẫm từ A tới Z. Vào tận Tokyo Station rồi nhưng không biết mua vé tàu nhanh Shinkansen như thế nào. Biết là mua tại máy rồi nhưng không biết chỗ mình đứng đã chính xác để mua chưa, vì một vé ntn tốn 13.970 Yên (hơn 2 triệu vnd, tương đương như một vé máy bay) nên không dám mua bậy. Loay hoay một hồi mình quyết định hỏi. May gặp được một anh khá nhiệt tình mua giúp từ A tới Z, còn chịu khó dẫn vào tận nơi, cơ mà số mình xui, tới nơi rồi thì phát hiện, vé bị chỗ máy vào nuốt mình không kịp lấy lại, mình tưởng không sao ai ngờ họ bắt lội ngược về địa điểm cũ chỗ bán vé để tìm lại. Dù đã dự trù dư thời gian 40 phút nhưng do bất đồng ngôn ngữ, người trẻ Nhật Bản tiếng Anh cũng vô cùng hạn chế, mà máy phiên dịch của mình bị lỗi hoài thành ra từ 40p thong dong còn lại chỉ 10 phút vắt chân lên cổ, may mà cũng kịp giờ tàu chạy, không thôi mất hơn 2tr tiền vé! Rất là may là tất cả các máy bán vé tàu nhanh Shinkansen đều có khe để du khách sử dụng thẻ tín dụng để thanh toán, vô cùng dễ dàng, chứ không mình sợ số tiền mặt mình mang theo bên người không đủ để thanh toán.

Vé tàu nhanh từ Kyoto về Tokyo của mình. Khi mua loại vé này ở máy, bạn sẽ luôn được nhận hai tờ này một lúc.

Chưa hết, lúc lên tàu ngồi sai toa, tưởng an vị để thở được ai ngờ được nhắc phải di chuyển từ toa 7 xuống toa 15 mới được an vị. Hôm đó mình xách nách 2 vali nên cảm thấy hộc tốc!

Thật ra máy bán vé ngoài tiếng Nhật có cả tiếng Anh. Bạn chỉ cần xác định là đi đâu, có chọn reserved seat hay không thì giá vé sẽ có sự thay đổi, tất nhiên là với vé reserved sẽ mắc hơn vài trăm YÊN. Mình thấy cũng chẳng cần phải book reserved seat. Nếu book reserved seat bạn sẽ phải ngồi đúng toa, đúng ghế, đúng giờ lên tàu. Còn nếu book non-reserved seat, bạn có thể tự chọn ngồi đâu cũng được trong ba toa tàu của họ, giờ nào cũng được miễn tàu còn hoạt động. Nếu ngồi sai toa, sẽ có nhân viên đến hướng dẫn mình về đúng toa của mình nên thật ra chỉ cần không trễ chuyến đi là được. Do là lần đầu tiên mua vé kiểu này nên là mình bị luống cuống. Lần thứ hai từ Kyoto về lại Tokyo, mình đã rút kinh nghiệm và tự lực cánh sinh và tự mua vé cho mình luôn.

 

Vé tàu tại các trung tâm thành phố

Phải tới tận ngày thứ sáu trong chuyến hành trình, mình mới bắt đầu nhận ra cách thức hoạt động của các hãng tàu điện tại Nhật. Mình xin phép liệt kê thành các gạch đầu dòng cho mình khỏi sót:

- Ở Nhật không có một loại thẻ dành cho du khách đi toàn nước Nhật mà rẻ, theo thông tin mình Google được, cái thẻ toàn năng đó tận 8 triệu, mắc hơn một chiếc vé máy bay mình mua. Với khách du lịch đi có 7 tới 10 ngày, chiếc vé đó là hoàn toàn không kinh tế. Chẳng bù Singapore. Mua thẻ một lần rồi nạp như điện thoại. Đi nhiều nạp nhiều, đi ít nạp ít, dùng cho tất cả các loại tàu và xe bus.

Có một số tuyến đi nội khu mà du khách bắt buộc phải mua vé riêng, không dùng được vé tàu chung như trong hình trên

- Thế nên khách du lịch muốn tiết kiệm, đến thành phố nào hãy mua vé Metro/Subway của thành phố đó. Ví dụ đến Tokyo mua Tokyo Subway Ticket, đến Osaka mua Osaka Metro Ticket. Không biết Kyoto ntn mà tra hoài trên Klook không thấy bán. Hầu hết các loại vé mình đều lên Klook mua cho tiện và rẻ. Có thể chọn mua 1 ngày, 2 ngày hay 3 tùy lịch trình của chúng ta. Chẳng là mỗi thành phố có hệ thống Metro riêng do nhiều công ty đầu tư. Ví dụ mốt ở Việt Nam mình Metro Hà Nội v.s Metro Hồ Chí Minh là do hai tập đoàn khác nhau đầu tư. Không biết Việt Nam sẽ theo kiểu Nhật hay Singapore nữa.

- Có một cái vé JR Kansai Pass, lúc mua thấy quảng cáo là must have như kiểu thẻ quyền năng Tokyo Subway Ticket, đi được hết các tàu điện khu vực Kansai (bao gồm Kyoto và Osaka là hai thành phố trong lịch trình của mình) nhưng không phải trời ạ. Nó chỉ đi được các tuyến có chữ JR thôi. Mình đã đặt mua Kansai Area Pass trên Klook loại 3 ngày (giá 952K vnd), tưởng được dùng tới ngày 8/2 vì mình tính từ thời điểm activate vé (trong đầu mình đang tính, chiều 5/2 tới chiều 8/2 là được 3 ngày), nhưng không các bạn ạ, không cần biết bạn mua vé giờ nào trong ngày 5/2, nó vẫn sẽ tính 5/2 là một ngày. Thế là xấc bấc xang bang mua thêm 1 vé cho một ngày 8/2 nữa, không mua thì làm sao về nhà! Mất thêm 500K. Nếu tính đúng từ ban đầu, mình chỉ phải chi hơn 1.1tr cho 4 ngày thôi.

- JR là Japan Railway, là một đơn vị đầu tư khai thác thôi. Mà trong vùng Kansai có hơn ba đơn vị (tương ứng với 3 line màu khác nhau). Chiếc thẻ này không quyền năng tới vậy. Hiện mình chỉ dùng nó đi những chặng dài từ thành phố này qua thành phố khác, ví dụ như từ Kyoto sang Osaka. Mà thật ra mình cũng không trực tiếp dùng cái vé Kansai này được á, phải dùng cái voucher tặng kèm nó phát để có thể đi tàu Hankyu Railway. Chỉ có Hankyu Railway giúp mình di chuyển từ Kyoto Station sang Osaka Umera mà thôi, còn có cách nào khác không mình không biết nữa.

- Còn nữa, bắt bus họ không dùng cái vé Kansai Area Pass. Kansai chỉ dùng để đi tàu trong một vài thành phố nhất định, đi bus thì phải chuẩn bị xu. Nội tìm cái bus nào trong thời tiết 5 độ C có mưa phùn cũng là vấn đề. Quần từ 14:14 (thời điểm tàu dừng tại Kyoto) tới ra tới xe bus 17:15 là mất 3 tiếng.

- Còn nữa, lên bus khệ nệ đã đành, không biết là tính tiền sau khi tới chuyến nên lúc lên xe, mình lỡ cúng 100 Yên cho bác tài. Thôi âu cũng là chi phí học kiến thức mới. Lúc mình xuống trạm dừng đi tìm hotel dễ thế mà mình cứ Pass qua cái hotel mấy lần, trong lòng còn tức tối không hiểu em ấy ở đâu rõ rằng hắn ở ngay trước mắt.

- Lại nói tới mấy voucher trên, chúng nó chỉ có giá trị trong đúng một ngày. Muốn đổi Voucher thì phải trình vé chính JR Kansai Pass. Và muốn dùng chúng nó phải đổi thành vé tàu. Mà muốn đổi thành vé tàu, phải đến đúng trạm ghi trên voucher nó mới cho đổi. Cái JR Kansai Pass chỉ có giá trị khi được tặng kèm Voucher. Đó là do lịch trình của mình không có tuyến nào liên quan tới JR hết. Bữa mình mua hai lần vé Kansai coi bộ cũng có ích: được tặng hai lần voucher đổi vé Hankyu Railway do đợt này mình cần tấm vé này để về lại Kyoto từ Osaka. Do mình lỡ mua JR Kansai Pass thôi á, chứ bạn lên Klook mua có bán vé riêng. 1 ngày pass có 115K thôi. Giả dụ lần này mình cần hai vé hai ngày khác nhau không liên tiếp thì mình chỉ mất có 230K vnd.

Không nên vứt các voucher này đi. Hãy đổi nó thành vé di chuyển hưu ích.

Vé hồng Hankyu Kyoto Day Pass là vé mình đổi từ voucher xanh ảnh trên, giúp mình di chuyển từ Kyoto về Osaka. Vé Kyoto City Subway One Day Pass cũng là vé mình đổi được từ 1 trong các voucher mình nhận được khi mua Kansai Area Pass. Để đổi được Hankyu Kyoto Day Pass, bạn phải trình vé gốc Kansai Area Pass và phải đổi tại Hankyu Office. Còn Kyoto City Subway hay Osaka Subway, bạn bắt buộc phải đổi tại Subway Office. Riêng Tokyo Subway thì có thể đổi tại máy nhưng những chiếc máy này cũng ở khu vực Subway. Lưu ý văn phòng vé Hankyu khác với khu vực Subway bởi hai vé này được khai thác bởi hai đơn vị khác nhau.

- Với những vé mua trên Klook, các bạn phải đọc kỹ phần đến trạm nào để lấy vé. Vé mua trên mạng chỉ có mã QR code thôi, nên bắt buộc phải đổi không là không dùng được. Thêm nữa, hãy đọc kỹ ngày giờ hoạt động của quầy đổi vé. Mình đã tới đúng trạm đổi vé rồi nhưng còn vướng địa điểm cụ thể. Cái Uema Station nó rộng dã man, không biết sao kiếm cái Ekimo underground shopping passage nơi có văn phòng Osaka Metro Computer tickets Sales Counter. Mà cái này nó khác hoàn toàn với Hankyu Tourist Centre nha. Trên Klook cũng không ghi chữ Ekimo, chứ nó mà ghi từ đầu là khi mình ra khỏi trạm sẽ lập tức thấy bảng chỉ dẫn. Do mình phải hỏi rất nhiều mới biết Ekimo đó. Ban đầu mình tìm thấy một cái chỗ có mấy nhân viên cung cấp thông tin để hỏi, rồi bị chỉ ra Tourist Centre, xong bị chỉ ra Ekimo, quần một hồi lại bị chỉ quay trở lại điểm ban đầu, mà còn có 5 phút tới 17:00 đóng cửa. Lúc này mình nhăn mặt lo lắng lắm rồi, bởi rất có thể sẽ mất tiền vé này, nhưng phút 89, sau khi ông nhân viên nói tiếng Nhật qua máy dịch tiếng Anh không thành công, ổng đã quyết định hộ tống mình đến tận nơi. Cả hai cùng chạy chứ đi bộ sao kịp nữa. Chỉ còn đúng 1 phút là hết giờ làm việc đó. Mình đã lo lắng muốn xỉu. Nói tóm lại là cái hệ thống tàu điện ở Nhật rất chằng chịt, rắc rối, người dân không nói được tiếng Anh, bao gồm người trẻ!!!!

- Lại nói về cái ngày mà mình không đi được tàu ra Osaka Castle, mình đã lội bộ hơn nửa tiếng để tiết kiệm chi phí, nghĩ bụng chắc chỉ trạm này mới không dùng được vé JR Kansai chứ. Ai ngờ, lúc muốn đi chơi một điểm mới nữa, cảm thấy phải dừng lại tư duy một chút. Mình không thể đi bộ toàn thành phố Osaka được. Lúc từ Osaka về Hotel không dùng được thẻ Kansai, mình đã phải mua vé lẻ 190 Yên rồi, lúc xem vé từ trạm gần Hotel mình nhất tới lâu đài Osaka cũng mất 240 Yên. Tính ra là 73K tiền Việt. Mỗi lần đi đâu đó là 73K. Mình còn đi nhiều mà, sao không mua luôn một cái thẻ như trên Tokyo, tính ra thẻ hai ngày tốn có 197K, là quá rẻ. Nếu tiếc 197K này, đồng nghĩa với việc đi du lịch nhưng không dám ra ngoài chơi. Với lại Tokyo nó có thẻ tên Tokyo, thì Osaka cũng phải có chứ. Thế là mình đã quyết định tra phát ra ngay.

Đây đều là những bài học xương máu của mình. Bây giờ trước khi đi đâu mình phải tra lại Google, rồi ngồi ngẫm nghĩ một hồi mới bắt đầu đi.

 

Chi phí ăn uống tại Nhật Bản

 

Trung bình một bữa ăn nếu các bạn chọn một nhà hàng bất kỳ, sẽ có giá từ 800 tới 1000 Yên. Sẽ có bạn hỏi, với 100 Yên chúng ta có thể ăn được gì hay không? Câu trả lời là có. Tuy nhiên để tìm được một siêu thi có bán cơm nắm giá 84 Yên rất khó. Thông thường, cơm nắm rẻ nhất được bán tại các siêu thị tiện lợi như 7/11 hay Lawson hay Family Mart có giá từ 110 Yên, khoảng 18.000 VND. Thật ra trong siêu thị có rất nhiều món hay ho mà bạn có thể mua với giá tốt. Bạn cũng có thể mua một phần cơm có cá hoặc thịt và rau với chỉ 500 Yên. Bất cứ phần ăn nào giá như vậy ở Nhật đều được xem là rẻ. Trong chuyến đi Nhật của mình, chỉ 3 ngày đầu tại Tokyo là mình vào nhà hàng ăn thoải mái nhưng các ngày sau đó, mình luôn mua đồ ăn ở các siêu thị vì muốn trải nghiệm nhiều hơn nữa các món Local tại Nhật Bản.

Món cơm với thịt ba heo ba chỉ ăn kèm soup này rất thông dụng tại Nhật Bản. Đây là phần thức ăn mình mua tại máy bán tự động tại Osaka, chỉ có 540 Yên

Tuy nhiên nếu bạn mua đồ ăn tại các trung tâm / siêu thị lớn như Takashimaya, giá cũng không rẻ hơn ở nhà hàng

Mặc dù vậy, bạn sẽ có cơ hội mua được những món ăn đặc biệt và hấp dẫn như thế này

Đây là giá thịt tươi dành cho những người dân bản địa muốn mua về và nấu ăn ở nhà

Trong siêu thị có rất nhiều quầy hàng giảm giá, không nhất thiết phải cuối ngày đồ ăn mới giảm giá, vào bất kỳ giờ nào trong ngày cũng đều có những bảng đề SALES như thế này.

Đồ ăn tại Takashimaya rất phong phú, và đều được chia thành từng phần trong những chiếc hộp nhỏ xinh xắn

Oden từng đây đồ ăn 785 Yên

Bánh con cá 300 Yên, nhìn to, đẹp, ăn giòn nhưng không ngon vì vị quá ngọt đối với mình

Nếu đọc không hiểu tiếng Nhật, hãy sử dụng google dịch hình ảnh rất tiện lợi

.

Một phần ăn gồm 4 hộp, bao gồm dâu tây chỉ có 1159 Yên tại Tokyo của mình. Siêu thị này ngay bên cạnh Hotel mình ở nên vô cùng tiện lợi. Trong đây cũng rất nhiều món rất rẻ. Một hộp dâu tây như trong hình giá có 486 Yên (bao gồm thuế), tức là chỉ có 82.000 vnd/hộp mà thôi. Quá rẻ.

Mình để ý người Nhật ăn rất nhiều cơm

Về nước uống, ở Nhật Bản rất thông dụng những máy bán hàng tự động như thế này. Hầu hết tất cả các Hotel cũng đều trang bị một máy vending machine và khách có thể dùng xu để mua nước uống cho mình. Nước uống thì rất đa dạng, từ cafe, nước ngọt, tới soda, sữa tươi, v.v...Giá trung bình khoảng 130 Yên cho một lon nước. Nếu may mắn, bạn có thể bắt gặp các máy pha cafe tự động trên đường phố. Ngay cả thuốc lá cũng được bán trong những máy vending machine tương tự. Ở Nhật, mọi thứ vô cùng tự động.

 

Lịch trình du lịch Nhật Bản 7 ngày tham khảo

 

Thực tế mình chỉ lên kế hoạch cho 7 ngày, do có việc đột xuất nên mình ở thêm 2 đêm, tuy nhiên bạn có thể tham khảo những điểm cần đến tại Tokyo, Tokyo và Osaka của mình như sau:

TOKYO

Agenda Four Days Three Nights

Day 1: 2 Feb 2024

- Buy Sim Internet 4G tại Sân bay ngay sau khi làm thủ tục check out. Loại 7 ngày 500mb/ngày sử dụng internet với mình là vừa đủ, giá 2000 Yên = 340.000 vnd

- Đổi vé Tokyo Metro 72 hour mua trên Klook khoảng 265,967 vnd

- Hotel Check in và nghỉ ngơi một chút

- Dạo quanh các khu mua sắm gần khách sạn

- Bắt train ra Ginza Shopping Mall

Khu phố shopping này rất gần nơi mình ở, có thể đi bộ một cách dễ dàng, có cửa hàng Uniqlo nơi mình mua được một vài món đồ hữu ích: Một cái áo đỏ tươi, một chiếc quần legging hitech và một cái túi đen đeo chéo. Quần Legging và chiếc túi là hai vật phẩm được mình trưng dụng trong suốt các ngày sau đó của chuyến đi của mình.

Day 2:  3 Feb 2024

- Fuji Trip (Mình đã không đi được núi Phú Sĩ trong chuyến đi này vì vướng bận công việc riêng)

- Oshino Hakkai Old Village under Fuji Mountain

Bù cho việc không đi được núi Phú Sĩ, mình đã shopping tại Uniqlo. Chiếc túi trong hình là của Uniqlo, mua khoảng 500K vnd, đã theo mình trong suốt chuyến hành trình. Ngoài ra mình còn mua được một chiếc quần legging giữ nhiệt và mình cũng mang chiếc legging này trong suốt chuyến hành trình của mình để giữ ấm. Có một bí quyết giúp bạn giữ ấm tốt, đó chính là ngoài quần áo cách nhiệt đặc biệt có bán tại Uniqlo ở Việt Nam, vừa mỏng nhẹ nhưng tác dụng giữ nhiệt cho cơ thể rất tốt ra thì các bạn nên lên shopee đặt mua thêm các túi giữ nhiệt. 1 bịch trên shopee bán khoảng 80K đ thôi nhưng chắc phải tận 8 miếng. Nếu mua ở Nhật, một miếng rẻ nhất là 40 Yên có bán tại các siêu thị tiện lợi. Mỗi miếng bạn để ở dưới tất trên mu bàn chân, đặt bề mặt dính đối diện lên tất để hơi nóng từ miếng dính không làm da bạn bị bỏng. Miếng dán giữ nhiệt này có thể giúp chân bạn ấm áp suốt một ngày dài, rất hiệu quả trong tiết trời đông lạnh giá.

 

Day 3: 4 Feb 2024

- Lightning Hotel Check out

- APA Hotel Check in

- Tokyo Sky Tree (212.774 vnd) (Mình đã đi bộ từ Khách sạn của mình, xuyên qua một trung tâm shopping để tới Tokyo Sky Tree.

- TeamLab Planet Tokyo (642.000 vnd) - Các bạn không nên đi đến địa điểm này vì mình cảm thấy không như kỳ vọng và rất phí tiền. TeamLab có mặt ở nhiều thành phố và đất nước khác nhau và mỗi nơi sẽ có cách bày trí và phong cách khác nhau. Mình hoàn toàn không đánh giá cao địa điểm tại Tokyo. Nếu bạn muốn đi vì tò mò, mình khuyên bạn nên google tìm hiểu kỹ trước TeamLab ở từng địa điểm

- Lưu ý khi các bạn đổi khách sạn, giờ check out thường là 10am và giờ check in tới tận 3pm, nên bạn sẽ có một khoảng trống thời gian từ 10am tới 3pm. Bạn có thể nhờ khách sạn mới giữ hành lý tạm cho bạn tại sảnh nếu bạn đến trước giờ check in 3pm để có thể rảnh tay và đi đây đó như shopping hoặc đi ăn trưa chẳng hạn.

Tokyo Skytree là một điểm đến thu hút rất nhiều khách. Người Nhật rất biết cách làm du lịch, không thua gì Singapore. Mua vé lên 350m ngắm toàn cảnh thành phố, du khách vẫn có thể "có cơ hội" hào hứng chi tiền vài lần nữa để: Chụp ảnh check in background đặc biệt. | Mua nước uống, cafe, ngồi thong dong ngắm cảnh thành phố | Mua đồ lưu niệm với nhiều món đồ mang đậm dấu ấn skytree. Nườm nượp người buổi tối đứng xếp hàng nên để nói có được tấm ảnh không người xung quanh cũng thử thách lắm mặc dù các tốp khách được điều động check in theo những khung giờ khác nhau.

 

KYOTO

Day 4: 5 Feb 2024

- APA Hotel Check out

- Bắt tàu nhanh hơn 3 tiếng di chuyển từ Tokyo tới Kyoto

- Tới Tokyo mở Klook mua Kansai Ticket. Tuy nhiên mình khuyên các bạn, thay vì mua Kansai ticket này, bạn chỉ nên mua Hankyu Kyoto Day Pass trên Klook để ngày hôm sau mình sẽ di chuyển từ Kyoto lên Osaka (Vé này có trên dươi 200.000 vnd thôi). Còn nếu bạn ở Kyoto nhiều hơn một ngày, bạn hãy tìm hiểu mua vé Kyoto City Subway tương ứng với số ngày bạn muốn lưu trú.

- Check in The Hedistar Hotel Kyoto Nijo Comic and Books

- Enjoy the night out in Kyoto

- Mình đã google là nên đi đâu tối nay, và google chỉ mình hãy ra chợ Nishiki đi, cách hotel minh 21p đi bộ. Bí quyết của mình là google xem những điểm nào cần đi khi ở Kyoto và với từng điểm được đề xuất, mình sẽ xem xét mức độ xa gần so với khách sạn nơi mình đang ở, xem điều kiện đi lại có thuận lợi hay không. Ở chợ Nishiki, mình đã mua được hai chiếc áo khoác, trong đó có một chiếc mình đã mặc đi mặc lại trong suốt các ngày sau đó. Mỗi chiếc áo rất rẻ, chỉ có 1480 Yên mà thôi.

Một nhà sách tại Takashimaya

Một siêu thị tại Kyoto gần khách sạn của mình. Lawson là thương hiệu cửa hàng tiện lợi được ưa chuộng thứ hai, chỉ sau 7/11. Ở Lawson và 7/11 khách hàng có thể mua e-sim dành cho khách du lịch và mua tem + bìa thư để gởi thư trên toàn nước Nhật.

e-Sim dành cho khách du lịch gia hạn thêm ngày ở lại Nhật. Nếu bạn tính được chính xác số ngày du lịch ở Nhật, các bạn không nên mua e-Sim này vì sẽ mắc hơn là mua sim Internet tại Sân bay nhé.

 

Day 5: 6 Feb 2024

- The Hedistar Hotel Check out

- Visit Thành Cổ Nijo - Khu phố cổ Gion

- Visit Takashimaya

- Di Chuyển Đến Osaka bằng vé Hankyu Kyoto Day Pass

- Hotel Cargo Check in at night time in Osaka và ổn định chỗ ở + Nghỉ ngơi

Khu phố cổ Gion

Ngày cuối ở Kyoto sau khi tìm hiểu đường đi nước bước qua Osaka, đã ngồi lên tàu ra hướng Osaka-umeda station rồi đó nhưng đang đi giữa chừng quyết định quay lại Kyoto vì mới hơn 12 giờ trưa về Osaka có hơn 1 tiếng sớm quá, chơi ở Kyoto chưa đủ. Dạo có xíu buổi tối khu vực chợ đêm hôm qua đã là gì. Quyết định này của mình khá sáng suốt. Kyoto không phải buồn như thế đâu.

Trên đường ra Osaka mình đã google và kiểm tra lịch trình chuyến đi của mình, chợt thấy cần phải đến khu phố cổ Gion, nơi có mấy nàng Geisha gì đó. Tại Kyoto station đang đi tìm hướng ra Gion, mình thấy có lối dẫn vào TTTM Takashimaya, mình tò mò vào thử, xem có khác gì ở Việt Nam không. Khác nhiều lắm ạ. Đặc biệt khu ẩm thực hoa cả mắt vì quá đẹp và nhiều. Khu siêu thị cũng sạch sẽ và vô cùng ngăn nắp, nhìn cứ gọi là vô cùng thích mắt á.

 

OSAKA 

Day 6: 7 Feb 2024

- Lâu Đài Osaka Castle

- Tháp Tsūtenkaku là một trong những biểu tượng của thành phố Osaka.

- Shopping tại Dotonbori, 1 trong những địa điểm du lịch nổi tiếng nhất ở Osaka. Đặc điểm của khu này là những tấm biển hiệu khổng lồ nối dài. Ở đây bán đồ ăn giá khá tốt, dưới 500 Yên là bạn có thể mua một phần ăn trong nhà hàng khuya rồi, và khách hàng có thể tự order đồ ăn cho mình qua máy bán hàng tự động.

Tháp Tsūtenkaku

Trên đường vào khu vực tháp Tsutenkaku

Đây là lâu đài Osaka. Có rất nhiều người xếp hàng mua vé vào bên trong. Mình chọn đứng chụp hình check in từ bên ngoài thôi để tiết kiệm thời gian đi những nơi khác.

Khuôn viên Lâu Đài Osaka rất hoành tráng và rộng lớn. Nhiệt độ lúc này vào khoảng 8 độ C. Ở Tokyo nhiệt độ thấp hơn, từ 3-5 độ C tùy thời điểm trong ngày và tùy ngày

 

OSAKA - HO CHI MINH

Day 7: 8 Feb 2024

- Hotel Cargo Check out 5am

- Di chuyển ra sân bay bắt chuyến bay 9:30 am


 

TOTAL BUDGET MINIMUM:


Vé máy bay 2 chiều: 10.000.000 ₫

SIM 4G Japan: 350.000 ₫

Hotel 7 days 6 nights: 5.000.000 ₫

Phí làm Visa: 2.000.000

Vé tàu Tokyo đi Kyoto: 2.338.000 ₫

JR Pass West Kansai (3 Days): 993.000 ₫

Vé tàu điện ngầm Tokyo: 266.000 ₫

Fuji Trip & Skying: 2.000.000 ₫

Tokyo Sky Tree: 213.000 ₫

teamLab Planets TOKYO: 642.000 ₫

Vé tàu Osaka: 300.000 ₫:

Foods: 3.000.000 ₫:

Các vé di chuyển khác: 1.000.000 ₫:

Shopping: 5.000.000

TOTAL: 33.000.000 đ

 

GiangGina [Một bài viết của Deargiang.com]

Blogger:GiangGina

Thành lập vào một ngày tháng 6/2014, deargiang.com là nơi mình chia sẻ mọi cảm xúc, kiến thức và mối quan tâm về Digital - Management - Travel cũng như các vấn đề về cuộc sống khác. Các bài viết trên deargiang một phần do mình viết, một phần do mình sưu tầm. Các bài viết này có điểm chung là những kiến thức, những câu chuyện, những quan điểm và những chia sẻ về cuộc sống có giá trị lâu dài. Mình hi vọng các chia sẻ của mình nhận được sự đồng cảm. Mọi đóng góp nếu có vui lòng gởi về email: gianggina@yahoo.com

Thống kê lượt xem

Tổng truy cập 1,368,692

Đang online6