20 Quan điểm của mình về Nhảy Việc / Nghỉ Việc?

[GG] Thông thường khi chúng ta có ý định xin nghỉ việc với ai đó là dường như ngay lập tức bị mọi người nói đạo lý rằng "Làm ở đâu cũng vậy thôi. Không gặp cái lọ thì cũng sẽ gặp cái chai. Nếu cứ nhảy việc nhiều quá chứng tỏ con người khả năng chịu đựng kém..."

Ngày đăng: 05-04-2021

1,649 lượt xem

Đây không phải là lần đầu tiên mình bàn tới chủ đề này. Nhưng mà trước khi viết tiếp chủ đề này ngày hôm nay, mình đã lục đọc lại 2 bài cùng chủ đề mà mình đã viết từ 2018 xem thật ra là, bản thân mình có gì thay đổi hay không. Hai bài ấy mình xin phép được dẫn link dưới đây:

Bài 1: Nếu không phải những lý do sau đây, tôi sẽ không nghĩ tới vấn đề nghỉ việc!

Bài 2: Vẫn còn băn khoăn: Nghỉ việc hay nên tiếp tục? Làm bao lâu là đủ lâu?

Nhìn chung xét về quan điểm mình không có sự thay đổi nhiều, tuy nhiên có một thứ mình thay đổi, đó là thời gian làm việc. 

Dạo gần đây mình chứng kiến khá nhiều người mình quen biết có ý định nghỉ việc. Bản thân mình cũng từng trải qua ý niệm này nên nhân đây, mình xin được bổ sung một số quan điểm mới dưới dạng liệt kê gạch đầu dòng:

*_* Tuỳ theo vị trí thâm niên, gia cảnh, tính chất công việc, môi trường làm việc, mỗi người sẽ suy nghĩ về vấn đề nhảy việc ở thời điểm nào là nên.

*_* Lương cao, việc nhiều, áp lực là đúng, nhưng định nghĩa thế nào là cao ở mỗi người khác nhau.

Công ty A ngân sách trả lương nhiêu đó đã gọi là cao cho một vị trí trong khi ở công ty B, cũng con số đó nhưng công việc cũng bình thường, nhẹ nhàng. Chưa kể công ty A nếu mà nhỏ quá bắt một người nhân viên phải làm đủ thứ việc để cho xứng đáng với mức lương mà họ tự định nghĩa là cao trong khi ở công ty B, tổng hợp tất cả các công việc như vậy phải dành cho một vị trí khác với mức lương tốt hơn. Ví dụ nhé, ở công ty cũ mình chỉ quản trị content web thôi, nhưng đến công ty hiện tại, mình phải ôm account, social, in ấn, e-marketing, ... mà mức lương thấp hơn dù nếu nói ra con số thì có thể đối với một số người cũng cho là cao đấy. Lương chỉ là một con số.

*_* Tên gọi, chức danh cũng không có ý nghĩa gì nhiều. Đầy người mang tiếng Manager mà phía dưới không hề có một nhân viên nào. JD một đằng nhưng khi công ty khó khăn muốn nhân viên quàng thêm việc, nhân viên dù có thể nói không nhưng không tránh khỏi cảm giác "không thể không thông cảm" cho công ty nên đã chấp nhận làm thêm một cơ số việc không liên quan đến chuyên môn của họ. 

*_* Những bạn đi làm không vì tiền, chỉ vì niềm vui, muốn được cống hiến, muốn được gặp gỡ đồng nghiệp mà chủ, sếp cứ ca bài "chủ tớ" thì họ quan trọng gì việc giữ vị trí đâu. Đi làm không vì tiền thì phải vì niềm vui. Hết vui rồi thì nghỉ khỏe thôi. Những người đi làm không vì tiền hiếm lắm nên khi gặp được những người này mình rất quý. Họ làm vì cái tâm. 

*_* Có bạn cho rằng chọn sai công ty ngay từ đầu là lỗi của người lao động. Đúng là quyết định của ai người đó hưởng, nhưng sau đó tiếp tục như thế nào là trách nhiệm của người lao động. Mắc lỗi và gặp xui là chuyện bình thường. Biết sai, biết thay đổi mới là điều quan trọng.

*_* Chưa kể tuỳ công ty, tuỳ sếp, tuỳ người tuyển dụng, như việc vợ chồng cưới nhau xong mới lòi tính xấu của nhau dẫn đến ly dị. Nếu biết trước tào lao quá chẳng ai dại dột đâm đầu vô làm gì. Còn khi mà có chỗ khác tốt hơn cũng chẳng cần phải khoe mẽ, thông báo nghỉ luôn cho nhanh.

*_* Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến nghỉ việc: có thể không phải do so sánh lương, có thể không phải do quá nhiều việc hay không kham nổi, ...Tóm lại chúng ta không ở trong vị trí của người khác thì mãi mãi chúng ta chỉ thấy thứ hiện hữu hoặc thứ chúng ta muốn thấy. Cuộc đời không đơn giản chỉ có vài ba nguyên nhân dễ dàng kể ra thành lời. 

*_* Mỗi câu chuyện để xảy ra nguyên nhân nghỉ việc là một bài học mà không phải ai cũng có thời gian hay đủ thân thiết để kể ra với chúng ta.

Một số ví dụ nghỉ việc mà mình sưu tầm được trong group Facebook "Tâm Sự Con Sen" 

Câu chuyện thứ 1: Một bạn mới đi phỏng vấn về có chia sẻ rằng, người chị CEO phỏng vấn bạn ấy ngày hôm ấy đã nhận xét: "Em nhảy việc quá nhiều, và đó là điều khiến chị lo lắng dù năng lực của em phù hợp với vị trí này". Vì câu nói ấy được thốt ra khi người chị CEO tiễn bạn ấy ra về nên bạn ấy cũng không có thời gian giải thích nhiều, nhưng câu nói ấy đã khiến bạn ấy hồi tưởng lại nhiều điều. Bạn ấy đã đi làm cho 5 công ty: "Có thể người ta không hề biết trong 5 công ty ấy, có công ty mình đã đồng hành từ lúc thai nghén đến khi nó đổ vỡ vì chiến tranh quyền lực, mâu thuẫn lợi ích... 

Câu chuyện thứ 2:

 

*_* Khi ai đó nhảy việc họ phải có lý do. Người nghe đã tìm hiểu lý do tại sao họ nghỉ việc chưa? Người nghe có biết người trong cuộc đã trao đổi gì với sếp của họ chưa? Đã biết kết quả cuối cùng của công ty ấy là gì không? Người nghe có biết phong cách làm việc của ông sếp kia như thế nào không? ... Tất nhiên là chưa biết cho đến khi người đó nói ra. Khi có đủ thông tin rồi mới cho lời khuyên chính xác. Không đủ thông tin mà kết luận theo ý kiến chủ quan của mình thì có cảm tính lắm không?

*_* Nhảy việc không có gì xấu hết, quan trọng lý do nhảy việc là gì. Theo thống kê thì có rất nhiều doanh nghiệp phá sản, thế nên không phải cứ ai làm sếp, làm chủ là đúng hết trăm phần trăm

*_* Bạn quan trọng bản thân hay quan trọng suy nghĩ của người khác. Bạn sống cho cuộc đời của mình hay người khác sống thay cho bạn?

*_* Xét cho cùng, bây giờ mình không quan trọng vấn đề thời gian bạn làm bao lâu, miễn là ai đó thuyết phục được mình đó là lý do chính đáng.

*_* Tuỳ kinh nghiệm và mức độ trưởng thành của mỗi người, mức độ chính đáng nó sẽ khác nhau. Ví dụ trong tình huống A mình sẽ có cách giải quyết riêng, chưa đến nỗi phải lâm vào bế tắc và quyết định ra đi. Bởi vì bạn chưa đủ trải nghiệm nên mới thấy tình huống A nó khó chẳng hạn. Tuy nhiên mình cũng phải tìm hiểu xem bạn là ai, bao nhiêu tuổi, đã làm việc ở những đâu, nền tảng của bạn là gì. Nếu bạn còn trẻ mà đòi hỏi bạn phải rắn rỏi như người lâu năm trong nghề thì bất công với bạn quá. 

*_* Và mình cũng sẽ chỉ tìm hiểu nguyên nhân ngọn nguồn đối với những đối tượng mình thật sự quan tâm. Ví dụ như ứng viên đi phỏng vấn chẳng hạn, hay con bạn thân, người thân trong gia đình.

*_* Mình cũng chỉ dám kết luận hoặc đưa ra lời khuyên cụ thể khi mình nắm rõ "đầu đuôi tai nheo". Chỉ có người trong cuộc mới có thể hiểu hết tình hình, chứ chẳng ai lại khơi khơi xin nghỉ việc làm gì.

*_* Nếu bắt buộc mình phải đưa ra một lời khuyên, thì đó sẽ là: "Khi mà nơi làm việc làm mình cảm thấy cực hình thì sớm muộn sẽ xin thôi việc dù có xin được việc mới hay không. Nhưng nếu sức chịu đựng còn tốt thì cố gắng xin được job mới hãy nghỉ, chứ đời người hơn phân nửa thời gian trên công ty rồi, mà đi làm không thấy vui vẻ thì ức chế lắm."

- Mình cũng ngưỡng mộ những ai đi làm lâu năm lắm luôn. Theo mình có ba lý do:

1. Là ngại thay đổi

2. Vì cơm áo gạo tiền, nợ nần chồng chất

3. May mắn gặp được nơi làm việc tuyệt vời

*_* Đối với mình, mình đi làm vì sợ ở nhà bị chán. Đi làm cho có bạn bè, có người nói chuyện. Đi làm cho có cơ hội diện đồ, đeo túi, đánh son và có thêm một nguồn thu nhập. Cho nên là mình muốn có quyền chọn một công việc cho mình cảm thấy thoải mái. Công việc đó không nhất thiết lương phải cao nhất, ít việc nhất mà là thoải mái nhất. Nhiều việc cũng được, lương ít một chút cũng được nhưng mà phải thoải mái.

*_* Để tìm một nơi làm việc có thể gọi là nhà không phải đơn giản. Bạn phải biết khôn ngoan đặt đúng câu hỏi cho người tuyển dụng, mà điều này không phải ai còn trẻ cũng có khả năng làm được. 

*_* Còn một ai đó nói là lân la cafe, tám chuyện đồng nghiệp mới quen để ra quyết định có nên làm tiếp hay không trong tuần đầu đi làm thì quá là phiến diện và vội vàng. Tự thân trải nghiệm qua quá trình làm việc chưa chắc đã hiểu hết. Cá nhân khi mình đi làm, buổi đầu tiên bao giờ mình cũng rủ bạn đi ăn trưa để làm thân. Tâm lý chung của họ là còn dè chừng mình, cũng chẳng ai dám nói xấu sếp để bị đuổi việc cho nhanh. Cũng có thể cảm nhận của họ về sếp sẽ khác mình vì họ không sở hữu tư duy như mình. Chỉ có chính người nhân viên ấy tự trải nghiệm, tự khám phá mới ra được kết luận cuối cùng cho riêng mình. Mà để làm điều đó, thời gian càng dài mẫu thuẫn mới có nhiều dịp phát sinh. Ứng với mỗi mâu thuẫn ta lại có dịp kiểm tra năng lực giải quyết vấn đề của bản thân luôn. Đến khi nó chạm đến ngưỡng giới hạn rồi thì điều gì phải xảy ra ắt sẽ xảy ra.

Trong 15 năm trở lại đây, một điều mình có thể khắng định, đó là mình chưa bao giờ nghỉ việc vì tiền, cũng chưa bao giờ nghỉ việc vì công việc nhiều quá không kham nổi, cũng không bao giờ nghỉ việc vì đồng nghiệp tào lao. Nguyên nhân khiến mình nghỉ việc nhiều nhất là do không đồng quan điểm làm việc với sếp trực tiếp. 

Nếu bạn muốn đặt câu hỏi gì cho mình, hay muốn mình viết thêm về chủ đề nào, hãy email cho mình qua gianggina@yahoo.com bạn nhé. Hoặc bạn có thể comment trong phần bình luận bên dưới.

Nếu bạn muốn biết suy nghĩ của mình về: Sa thải văn minh. Nghỉ việc văn minhvui lòng click vào đây. 

Một bài viết của gianggina (deargiang.com)

Blogger:GiangGina

Thành lập vào một ngày tháng 6/2014, deargiang.com là nơi mình chia sẻ mọi cảm xúc, kiến thức và mối quan tâm về Digital - Management - Travel cũng như các vấn đề về cuộc sống khác. Các bài viết trên deargiang một phần do mình viết, một phần do mình sưu tầm. Các bài viết này có điểm chung là những kiến thức, những câu chuyện, những quan điểm và những chia sẻ về cuộc sống có giá trị lâu dài. Mình hi vọng các chia sẻ của mình nhận được sự đồng cảm. Mọi đóng góp nếu có vui lòng gởi về email: gianggina@yahoo.com

Thống kê lượt xem

Tổng truy cập 1,306,502

Đang online2