Nếu không phải những lý do sau đây, tôi sẽ không nghĩ tới vấn đề nghỉ việc!

[GG] Đã qua cái thời trẻ trâu nông nổi từ lâu, nên dù bản thân có tự tin đến mấy, mình cũng sẽ cố gắng ổn định ở một công ty nào đó càng nhiều năm càng tốt.

Ngày đăng: 26-05-2018

1,574 lượt xem

Ở bài viết hôm qua, mình có viết về đề tài: Nghỉ việc hay nên tiếp tục? (<< click vào để đọc), các bạn có thể suy rằng mình không đề cao những cá nhân thường xuyên nhảy việc. Theo mình, những người nhảy việc nhiều là những người không có khả năng chịu được áp lực công việc tốt, hoặc không có khả năng giữ lửa đam mê cho công việc của mình tốt, cả thèm chóng chán, thường xuyên đứng núi này trông núi nọ. Điều này chỉ đúng một phần con người mình, vì dù sao mình cũng là người đã từng nhảy việc nhiều trong quá khứ nên bây giờ, nếu có ai nhảy việc thì mình sẽ không vội vã phán xét họ. Mình quan tâm đến lý do tại sao họ ra đi nhiều hơn. Bài viết này sẽ nói về những lý do nghỉ việc của mình theo quan điểm hiện tại (đã có nhiều thay đổi so với quá khứ) và những bạn nào nghỉ việc cũng với những lý do này, mình hoàn toàn ủng hộ hai tay hai chân luôn.

 

Những lý do ấy là:

1. Không phục cách làm việc của sếp trực tiếp

Đây sẽ là lý do hàng đầu của mình. Khi đi làm thì ai cũng muốn được thừa nhận năng lực, được tạo điều kiện phát triển bản thân, được hiểu và thông cảm với những khó khăn mà công việc đem tới. 

- Mình không thích làm việc với những người sếp cứng nhắc, không biết lắng nghe, không có khả năng giải thích hợp lý đúng sai mà chỉ biết áp đặt bằng mệnh lệnh, sợ bị góp ý, nhận xét tiêu cực về nhân viên không khéo trước tập thể. 

- Mình cũng không thích làm việc với các sếp không có khả năng dùng người, không biết giữ người tài, dễ dãi với người thường xuyên trễ deadline, không biết cách quản lý công việc khoa học, không biết lên kế hoạch, không biết tán dương nhân viên với cấp trên, không biết nói lý lẽ, hay đổ lỗi cho nhân viên và thường xuyên thay đổi chính kiến đến chóng mặt. 

- Mình đặc biệt không thích sếp không biết giữ lời hứa và làm việc theo cảm tính, nói thì hay nhưng hành động thì dở vô cùng. 

- Mình cũng không thích những sếp can thiệp quá sâu vào công việc chuyên môn của mình, bao gồm việc tự ý giao việc cho nhân viên dưới quyền của mình. Câu nói mà mình không thích nghe từ sếp nhất đó là: "Em không cần phải giải thích, chỉ đơn giản anh/chị không thích, nên em đừng làm". Hay "Em làm việc chẳng có kế hoạch gì cả" sau khi mình email cả đống kế hoạch mà không chịu đọc.

Mình không phải là kiểu người thích phục tùng một cách máy móc, sếp làm sai thì cũng mặc kệ, cam chịu nghe sếp chửi. Mình thích phản biện và giải quyết mọi chuyện bằng lý lẽ hơn. Sếp không có nghĩa là cái gì cũng giỏi và thông minh hơn mình nhưng sếp phải giỏi một kỹ năng nào đó thì mình mới chịu phục tùng. Một lần làm sếp của mình không đồng nghĩa cả đời mình mãi chỉ là nhân viên của sếp. Biết đâu sau này, mình và sếp sẽ ở những vị thế ngang hàng trong tương lai, hoặc có khi hơn? Đối với mình, sếp là một đồng nghiệp nhưng có chức vụ cao hơn vì phải lãnh trách nhiệm nhiều hơn và nhận lương cao hơn. 

2. Môi trường làm việc tẻ nhạt, ít việc, không có cơ hội tăng lương

Một công việc nhàn hạ quá chắc ở nhà sướng hơn nhỉ? Vì đi làm ngồi trước máy vi tính cả ngày rất là đau lưng lại còn béo bụng, mà việc ít nhàn rỗi quá mình cảm thấy rất là phí thời gian. Công việc không bắt mình sử dụng hết kiến thức và kỹ năng mình có thì mình cũng cảm thấy khá là ấm ức và bị coi thường. Cơ hội thăng tiến và tăng lương không có thì cho dù làm nhiều năm, bản thân vẫn sẽ dậm chân tại chỗ, thậm chí còn thụt lùi so với thiên hạ. Đây chắc chắn là môi trường không đem lại hạnh phúc cho mình rồi. 

3. Nhà xa nơi làm việc

Bỗng một ngày, công ty thông báo chuyển văn phòng làm việc. Cái này chỉ là ý kiến chủ quan của mình thôi vì mình không có khả năng dậy sớm buổi sáng mà bắt đi làm xa nhà còn đi làm sớm nữa thì mình chịu. Tuy nhiên, bạn có thể không đồng tình với lý do này của mình.

Ghi chú: Từ lý do thứ 1 tới lý do thứ 3, mình muốn đã tìm được công việc mới trước khi quyết định nộp đơn xin nghỉ công việc hiện tại.

4. Có lời mời công việc mới khi mình đã làm việc cho công ty hiện tại khoảng 2 năm

Nếu công việc mới tốt hơn, lương nhiều hơn, phúc lợi công ty mới tốt hơn, chức vụ cao hơn, nhiều cơ hội công tác nước ngoài hơn, tính chất công việc như nhau mà lại có phần thú vị hơn thì tại sao không? 

5. Đi du học, ra nước ngoài định cư, kinh doanh riêng

Đây là lý do khách quan bắt buộc phải nghỉ việc thôi.

---

Anyway, chỉ có bấy nhiêu lý do thôi. Tất cả những lý do khác đều không phải là vấn đề lớn lao. Đồng nghiệp có tệ xíu cũng không sao, mình làm việc độc lập được, vẫn có sếp tốt luôn hỗ trợ tối đa. Benifit hiện tại chưa ổn nhưng trong tương lai có cải thiện là được. Văn phòng chưa đủ đẹp nhưng chỗ ngồi của mình thoải mái là được. Công ty chưa cấp máy tính cho mình thì mình tạm sử dụng máy tính của mình cũng được. Lương hiện tại chưa nhiều nhưng công ty có động thái đề bạt tăng lương trong tương lai cho mình là được. Công ty có thể không công bằng, nhưng đừng cho mình thấy sự không công bằng bất hợp lý là được. Sếp cũ đi, có sếp mới cũng giỏi cũng tốt như sếp cũ là được. Sếp mới giỏi hơn và tốt hơn lại càng được hơn.

---

Đấy, mình cũng như mọi người thôi, cũng không đến nỗi khăng khăng cống hiến cho một công ty nào đó hoài hoài đâu. Sau khi cố gắng hết sức trong khả năng mình có (như trong bài viết Nghỉ việc hay nên tiếp tục? (<< click vào để đọc) mà vẫn không đạt được điều mình mong muốn thì mình mới nghĩ tới vấn đề nghỉ việc thôi. 

Một bài viết của gianggina (deargiang.com)

 

Blogger:GiangGina

Thành lập vào một ngày tháng 6/2014, deargiang.com là nơi mình chia sẻ mọi cảm xúc, kiến thức và mối quan tâm về Digital - Management - Travel cũng như các vấn đề về cuộc sống khác. Các bài viết trên deargiang một phần do mình viết, một phần do mình sưu tầm. Các bài viết này có điểm chung là những kiến thức, những câu chuyện, những quan điểm và những chia sẻ về cuộc sống có giá trị lâu dài. Mình hi vọng các chia sẻ của mình nhận được sự đồng cảm. Mọi đóng góp nếu có vui lòng gởi về email: gianggina@yahoo.com

Thống kê lượt xem

Tổng truy cập 1,306,612

Đang online2