Có nên bật lại SẾP không?

[GG] Một bài viết cũ mình đã đăng trên Facebook ngày 19/4. Mấy bé nhân viên team content của mình yêu cầu mình viết bài này. Lạ không?!

Ngày đăng: 09-05-2022

664 lượt xem

Có lẽ trong mắt tụi nhỏ, mình không thật sự là "sếp", mà là một người chị, người bạn, người đồng hành. Tụi nhỏ chỉ muốn mình chia sẻ với mọi người, cách mình đã bật lại các vị sếp trước đây của mình như thế nào. OK, viết luôn, chơi tới bến luôn. Sếp hiện tại của mình người nước ngoài, cũng không rảnh để dùng google dịch nếu lỡ có đọc được post này. Vì thế, kính mời bạn đọc thử những dòng suy nghĩ sau đây của mình, xem có hợp lý hợp tình không nhé ạ.

1. Trong mắt mình, sếp là một người đồng hành. Sếp làm được những việc mình không làm được. Còn mình thì làm được những việc sếp không rảnh để làm, hoặc cũng có thể không làm được luôn. Ví dụ sếp người nước ngoài sao mà viết content tiếng Việt được, đúng không? Đây chính là mối quan hệ win-win đôi bên cùng có lợi.

2. Ngồi ở vị trí nào thì phải chịu được sức nóng ở vị trí ấy. Có gan làm sếp, nhận lương cao thì hãy chứng minh mình xứng đáng, không thì nhân viên, đồng nghiệp nó xì xào sau lưng, nói không phục, sau đó lần lượt từng đứa một thi nhau nộp đơn thôi việc. Làm sếp mà thiếu nhân viên, không ai muốn gắn bó dài lâu... nghĩ thôi mà buồn và áp lực!

Chắc có lẽ vì thế, mình chịu khó đọc tâm lý của nhân viên mình lắm. Nếu một ngày thấy có điều bất thường, là mình rủ đứa đó ra "tâm sự mỏng" ngay. Cứ phải xỏ bàn chân của mình vào đôi giày của người khác mới rõ chúng chật hay rộng. Mình mà đã thế, nên mình rất kỳ vọng sếp mình cũng phải thế!

3. Quả quít dày luôn có móng tay nhọn. Ah hihi... Ý mình nói đến sự hòa hợp, trong hôn nhân nếu "nồi nào vung nấy", hay trong xã hội nếu "gió tầng nào gặp mây tầng ấy" là sự thật không thể chối cãi, chứng tỏ cùng đẳng cấp mới có thể ngồi nói chuyện với nhau, cùng tư duy mới có thể đi đường dài cùng nhau. Mình chọn sếp chứ nhất quyết không để sếp chọn mình.

4. Chúng ta không nhất thiết phải giỏi hết phần thiên hạ. Mỗi người sinh ra là để đảm nhiệm một vai trò riêng ở từng thời điểm khác nhau. Chuyên môn có thể không giống nhau, nhưng tư duy làm việc nhất định phải thống nhất được, để khi người này nói một, người kia hiểu mười, thể hiện trình độ ngang nhau. Trình độ ở đây là trình độ tiếp thu, lập luận chứ không phải trình độ chuyên môn.

5. Tất nhiên có những lúc mình nhìn người sai, dẫn đến chọn lầm sếp. Sếp có thể cho mình cơ hội công việc, mình cũng phải cho mình cơ hội để hiểu và thử làm theo ý sếp một thời gian. Đến khi kiến thức vững vàng, công việc vào guồng, "cãi tay đôi" sau cũng chưa muộn màng!

6. Thời đi học có điều gì không hiểu, còn vướng mắc, bạn có ngại giơ tay hỏi hay dám phát biểu? Ba mẹ mình luôn khuyến khích con cái "muốn hiểu phải hỏi, đừng giấu dốt", đặc biệt trong việc học hành. Với suy nghĩ này, theo mình "Bật lại sếp" chỉ đơn giản là "dám phát biểu chính kiến của bản thân", tuyệt vời hơn "có khả năng chứng minh được những điều đó là đúng".

7. Sếp cũng là một người bình thường, không phải thần thánh, nên cũng có lúc nhớ lúc quên, lúc đúng lúc sai. Mà phàm là con người, ai cũng có cái tôi riêng. Khi bản thân bị ai đó công kích còn thấy khó chịu huống hồ người khác. Muốn phản biện lại ý sếp, trước tiên phải hiểu ý sếp trước, dựa vào đó mà dùng ngôn từ khôn khéo để giải thích sâu cho sếp.

8. Còn muốn sếp nghe lời mình ư? Khó mà dễ. Tất nhiên điều đầu tiên, phải chứng minh được thực lực của bản thân. Thời gian đầu cứ "Sếp bảo gì làm đó". Dù chúng ta giàu chuyên môn ở nhiều tổ chức khác nhau cỡ nào đi chăng nữa, đều phải học lại từ đầu mỗi khi bước sang một môi trường mới: sản phẩm mới, dịch vụ mới, văn hóa mới. Nếu đủ bản lĩnh, thời gian đầu để hòa nhập vào cuộc sống mới sẽ trôi qua rất nhanh. Thông qua những dự án nhỏ đầu tiên để gởi thông điệp cho sếp và mọi người xung quanh mình là ai: Có đáp ứng chuẩn deadline không? Có tổ chức công việc một cách khoa học không? Có chịu khó hay cầu toàn không? Có nói được làm được không?... Đánh bóng tên tuổi bản thân từ những việc nhỏ nhất để chứng minh thực lực của bản thân là rất quan trọng. Từ từ rồi sếp sẽ đánh giá cao và ưu ái bạn, vì bạn chứng minh được sếp có thể an tâm khi giao việc cho bạn. Đây chính thức là lúc, tiếng nói của bạn có trọng lượng.

9. Mình không ngại nhân viên bật lại mình, nhưng phải có lý lẽ rõ ràng. Nếu họ nói đúng, hợp lý thì mình sẽ thay đổi và làm theo. Vấn đề của mình chính là, họ phải chứng minh được mình có thể AN TÂM khi làm việc với họ.

10. Nhưng mà người tính không bằng trời tính. Khi một cặp đôi chia tay nhau, câu trả lời thường là "Không Hợp". Sếp với nhân viên cũng vậy, sau khi bản thân đã cố gắng hết sức mà công việc vẫn gây ra những áp lực nặng nề thì cần phải bình tâm đưa ra một vài quyết định. Mình từng trải qua những người sếp như vậy. Ban đầu mình có "thử dạy lại sếp" làm việc theo cách của mình (không nhận điện thoại vào cuối tuần, không đọc tin nhắn vào buổi khuya, nói không khi cảm thấy bản thân không có khả năng,...) Nếu sếp vẫn không thay đổi, mình có thể nghỉ chơi sếp và nguyên công ty đó luôn. Và mình đã làm thế trong quá khứ.

11. Mình luôn tâm niệm, đi làm là để hưởng thụ, chứ không đơn thuần là để kiếm tiền. Bạn phải có khả năng hưởng thụ công việc, thành quả tự khắc sẽ đến.

>>>> Kỹ năng lãnh đạo thật ra khó mà học được lắm. Nó phải từ trong xương, trong máu, trong ADN mà ra. Chẳng phải khá nhiều vị sếp mang danh "manager", thậm chí "director" bị rất nhiều người liếc xéo nhìn ngang. Chỉ hai từ thôi, là "Không Phục" mặc dù làm "Chuyên Gia", họ rất cừ!

Túm gọn nguyên bài văn dài bên trên mình chỉ muốn nói rằng: để bật lại được sếp là cả một nghệ thuật. Và bản thân phải chứng minh được mình là người sếp cần trong công việc.

Cho đến bây giờ, dù chỉ là một vị "Sếp Quèn", mình cũng luôn phải tự nhủ với bản thân, là làm sếp khó lắm, không phải chuyện đùa để không ngừng xem lại mình và phát triển!

GiangGina [Một bài viết của Deargiang.com]

Blogger:GiangGina

Thành lập vào một ngày tháng 6/2014, deargiang.com là nơi mình chia sẻ mọi cảm xúc, kiến thức và mối quan tâm về Digital - Management - Travel cũng như các vấn đề về cuộc sống khác. Các bài viết trên deargiang một phần do mình viết, một phần do mình sưu tầm. Các bài viết này có điểm chung là những kiến thức, những câu chuyện, những quan điểm và những chia sẻ về cuộc sống có giá trị lâu dài. Mình hi vọng các chia sẻ của mình nhận được sự đồng cảm. Mọi đóng góp nếu có vui lòng gởi về email: gianggina@yahoo.com

Thống kê lượt xem

Tổng truy cập 1,308,063

Đang online1