Những điều có thể bạn chưa hiểu rõ về nghề Content, PR & Biên dịch

Gần đây mình có đọc một vài cuốn sách xuất hiện khá nhiều lỗi biên dịch và hiệu đính không đáng có. Đây chính là động lực chính khiến mình quyết định phải viết một bài chia sẻ quan điểm và kinh nghiệm của mình đối với các nghề Content, PR & Biên dịch và mối quan hệ của 3 nghề này như thế nào trong một tổ chức.

Ngày đăng: 29-02-2020

2,732 lượt xem

Để rộng đường cho các bạn đọc đánh giá các chia sẻ của mình trong bài viết này, mình xin được giới thiệu đôi nét về bản thân. Mình sinh năm 1983, tốt nghiệp khoa QTKD thuộc trường ĐH Kinh Tế TP.HCM năm 2005. Tới năm 2010 mình lấy thêm bằng Thạc sĩ chuyên ngành Quản Trị Marketing Đại học Heriot - Watt University. Từ khi ra trường đến nay mình trải qua khá nhiều vị trí ở các tổ chức khác nhau, tuy nhiên vị trí mà mình giữ lâu nhất cho đến thời điểm hiện nay là vị trí Quản lý Content. Từng giữ chức vụ Digital Content & Operations Manager của tạp chí điện tử ELLE & ELLE Man Việt Nam. Từng là Trưởng ban Biên tập Nội dung số (Digital Content Marketing Editor/Manager) cho các trang phong cách sống của tập đoàn CMG.ASIA, trong đó phải kể đến các thương hiệu nổi tiếng của tập đoàn này như: California Fitness & Yoga, California Centuryon, Yoga Plus, UFC Gym, Calikid Academy & Eri International. Trong thời gian gần đây, mình làm content cho các thương hiệu như Abbott, LEEP.APP & hiện tại là Vua Nệm. Vì thế, với tất cả những gì mình viết ra trong bài viết này hoàn toàn dựa trên chính quan điểm và kinh nghiệm của bản thân, hy vọng có thể chia sẻ được cho các bạn những thông tin hữu ích.

 

Làm nghề CONTENT cần sở hữu kỹ năng gì?

 

Content tiếng Việt là Nội dung. Mà nội dung là sản phẩm xuất hiện hầu hết ở các phòng ban. Những gì thuộc về chữ viết, hình ảnh và video đều là nội dung.

Hầu hết các phòng ban trong công ty đều cần sử dụng nội dung. Phòng Sales & Marketing sử dụng nội dung để bán hàng. Phòng nhân sự dùng nội dung để truyền thông nội bộ. Phòng tổ chức sự kiện dùng nội dung để quảng bá chương trình giới thiệu một sản phẩm mới ra mắt. Phòng Digital dùng nội dung để chạy quảng cáo. Phòng Content sử dụng nội dung để tạo ra các bài viết giáo dục khách hàng. Rộng lớn hơn phạm vi doanh nghiệp, nội dung còn được tạo ra bởi các Vloger hoặc Bloger. Và tất cả những ai có kết nối internet đều được trao cơ hội để tạo ra nội dung mình muốn.

Vì vậy, tùy thuộc bạn được tuyển dụng vào phòng ban nào, tính chất công việc tạo ra nội dung của bạn sẽ có sự khác nhau do mục tiêu và KPI của từng phòng ban là khác nhau. Tuy nhiên, dù bạn được tuyển vào bất kỳ phòng ban nào, người làm nghề Content chuyên nghiệp cần phải có các yếu tố và kỹ năng sau:

Kỹ năng viết: đây là một loại kỹ năng đặc biệt quan trọng, phải nói là quan trọng hàng đầu trong tất cả các kỹ năng mình sẽ liệt kê tiếp sau. Thông thường người làm nghề này có lẽ ai cũng nghĩ ngay tới hai chữ sáng tạo. Tuy nhiên đối với mình, kỹ năng viết và thể hiện nội dung quan trọng hơn cả. Bởi một ý tưởng hay nếu không có khả năng thể hiện tốt cũng sẽ không được ai đánh giá cao. 

Khả năng sáng tạo: người làm content phải chủ động tìm tòi ý tưởng, sự mới lạ, nhạy bén với xu hướng, các vấn đề xã hội xung quanh. Sự sáng tạo được phép vượt qua mọi giới hạn trong khuôn khổ sản phẩm và dịch vụ đang kinh doanh. Sự sáng tạo thể hiện khả năng lồng ghép, kết nối những điều tưởng như không thể thành có thể. Người làm nghề này không có chỗ cho sự bế tắc ý tưởng. Đó là sự khác biệt giữa người làm content chuyên nghiệp và người làm content nghiệp dư.

Kỹ năng biên dịch: thế giới phẳng trong xã hội hiện đại đòi hỏi người làm content phải có khả năng nghiên cứu nhiều nguồn tư liệu, đặc biệt là các nguồn tiếng nước ngoài, cụ thể là tiếng Anh vì tiếng Anh hiện đang là ngôn ngữ toàn cầu. Sự học hỏi sẽ chỉ có hiệu quả khi người làm content có khả năng đọc hiểu chúng tốt, biết rõ nguồn thông tin nào là chính thống và đáng tin. Ngoài ra, phải hiểu mới có thể cảm nhận được cái hay cũng như học thêm những kiến thức mới quan trọng. Khi tạo ra một bài viết nào đó, nguồn tư liệu nước ngoài này sẽ giúp người làm content khơi nguồn sáng tạo trong sự nghiệp viết lách của mình, để qua đó cung cấp nhiều hơn cho độc giả của mình những kiến thức bổ ích, độc nhất và sâu rộng.

Khả năng làm SEO: Trước đây khi xã hội chưa có internet, mọi nội dung nếu muốn sản xuất thì phải in ấn. Ngày nay, công nghệ 4.0 phát triển quá mạnh mẽ nên người người nhà nhà giảm hẳn thói quen đọc tin tức qua báo in. Họ chuyển dần sang báo mạng và các kênh truyền thông xã hội khác như Facebook, Instagram, Zalo, Youtube, Tik Tok, .... Vì vậy, nghề content không chỉ dừng lại ở việc viết hay, những người làm nghề này cần phải viết sao cho có nhiều người tìm kiếm truy cập đọc tin của mình chứ không phải từ một ai khác.

Đặt cái tâm vào từng bài viết: Thuật ngữ SEO ra đời như một nhu cầu tất yếu trong thời đại bùng nổ internet, khi mà rất nhiều doanh nghiệp đổ xô thuê chuyên gia SEO về huấn luyện cho nhân viên của mình, tất nhiên với mong muốn bài viết được nhiều lượt tìm kiếm nhất như mình đã đề cập ở đoạn trước. Vì vậy, các bài viết chuẩn SEO có sự cạnh tranh vô cùng lớn. Cuộc chiến tìm kiếm sẽ dành thắng lợi ở con đường dài hơi hơn, đó là những bài viết vừa phải chuẩn SEO, vừa phải cung cấp những kiến thức đúng. Rất nhiều bài viết hiện nay không quan trọng vấn đề hay dở hay tính đúng sai của bài viết bởi họ chỉ chú trọng việc chèn từ khóa một cách vô tổ chức, mục đích duy nhất để cho chiếc máy của Google đọc.

 

Nghề CONTENT có những khó khăn nào?

 

Khó khăn lớn nhất là sự đồng cảm từ đồng nghiệp và từ sếp

Bởi mỗi phòng ban có một chuyên môn riêng. Nhiều khi người bên ngoài nhìn vào sẽ đánh giá mức độ khó khăn của nghề sẽ khác. Ví dụ mình sẽ nghĩ các bạn làm Digital Marketing theo chiều hướng đơn giản: chỉ là có tiền bỏ ra chạy quảng cáo, rồi nhìn biểu đồ traffic và revenue tăng trưởng thôi mà, có gì khó và phức tạp tốn thời gian đâu. Các bạn Digital Marketing ở chiều ngược lại sẽ cho rằng, viết content một ngày vài bài dễ mà!

Chất lượng bài viết

Thông thường, một người viết có giỏi cỡ nào cũng cần một người khác edit lại, đặc biệt là những tác phẩm dài, có nhiều kiến thức chuyên môn. Tuy nhiên điểm khác biệt giữa một người senior và một người junior đó là, số lượng lỗi sửa sẽ ít hơn và không phải sửa nhiều về cách thức hành văn vụng về, lỗi ngữ pháp cũng như lỗi dịch sai ý tứ từ một tư liệu tiếng nước ngoài. Mặc dù Editor là người kiểm tra chất lượng đầu ra của sản phẩm nhưng cũng không phải là không thể tồn tại thiếu sót. Mặt khác, số lượng Editor không đủ đáp ứng số lượng bài viết phải edit, dẫn tới việc 1 editor phải edit quá nhiều bài viết cùng một lúc cũng sẽ gây ảnh hưởng lên chất lượng edit bài vở của bạn Editor ấy. Tuy nhiên Editor chắc chắn là người sẽ giúp bài viết giảm thiểu tối đa những hạt sạn không cần thiết. 

Thế nên, một team mà không đủ nhân sự từ writer đến editor thì chất lượng của các bài viết cũng sẽ không được đảm bảo. Bài viết có nhiều sạn thì tỉ lệ ở lại trang của độc giả sẽ thấp, tức tỉ lệ Bounce Rate sẽ thấp, dẫn tới uy tín của trang web hay tổ chức ấy sẽ thấp.
 
Nếu cấp quản lý hiểu sâu sắc và lường trước cán cân ngân sách & chất lượng, thì họ cũng nên có cái nhìn bao dung hơn cho team content.
 

Sự đánh giá hay dở 

Nếu yếu tố "thông tin phải cung cấp đúng cho độc giả" quá dễ hiểu thì yếu tố "hay dở" gây nên nhiều tranh cãi. Bạn có thể cho tôi biết có thước đo nào để đánh giá được một bài như thế nào gọi là hay, như thế nào là không hay? Cũng giống như âm nhạc, như thế nào gọi là nhạc thị trường, như thế nào gọi là nhạc chính thống? Bởi mỗi thể loại đều có một đối tượng khán giả riêng. 

Riêng đối với nội dung ảnh, tôi khuyên bạn nên đọc thêm cuốn: ”Xấu Thế Nào, Đẹp Ra Sao” mà tôi đã review trong link này.

 

CONTENT có phải là một nghề thuộc lĩnh vực Marketing?

 

Marketing là một lĩnh vực tương đối rộng, tùy theo quy mô công ty mà Marketing được chia nhỏ thành nhiều team như: Trade Marketing, Digital Performance Marketing, Content Marketing, PR & Media,v.v... Ngoài ra, Marketing không đơn thuần là làm quảng cáo. Mình cũng viết qua vấn đề này trong bài Cách lập bảng kế hoạch Kinh Doanh và Marketing từ A-Z đã được xuất bản ngày 7-10-2014. Mình cho rằng, nếu tổ chức đủ lớn, đã đầu tư riêng biệt từng phòng ban, tức họ đòi hỏi và mong chờ tính chuyên môn từng đầu việc Marketing được hoàn tất một cách chuyên nghiệp nhất.

Doanh nghiệp nào sẽ cần một CONTENT MANAGER?

 

CONTENT Marketing là một nhánh nhỏ thuộc bộ phận Marketing. Nếu công ty nhỏ, bộ phận Marketing sẽ chỉ cần tuyển 1 bạn viết content là đủ. Tuy nhiên nếu công ty là một tổ chức lớn, có sự đầu tư nghiêm túc cho mảng content sẽ cần một team content đủ mạnh và đây là cơ hội để tuyển Content Manager điều hành team.

Tùy theo số lượng bài viết mà công ty yêu cầu, số lượng Content Writer sẽ tăng giảm khác nhau, thậm chí Content Manager sẽ có ngân sách riêng để làm việc với các Freelance Writers hoặc các Intern Writers. Ngoài các bạn Writers, Content Manager sẽ quản lý trực tiếp ít nhất một bạn Designer. Chưa kể, nếu nhu cầu công ty đề cao mảng Video, Content Manager sẽ có cơ hội điều hành một team Video (bao gồm Video Editor, Video Script Writer & Cameraman).

Nhiệm vụ trọng tâm của một Content Manager là điều phối các bạn trong team, đảm bảo số lượng lẫn chất lượng nội dung được sản xuất theo đúng deadline đã cam kết với công ty. Content Manager cũng sẽ là người đề xuất các ý tưởng, kế hoạch liên quan đến việc sản xuất content cho công ty. 

Thông thường, một Digital Content Manager sẽ chịu trách nhiệm sản xuất nội dung cho phần web blog của công ty nhằm cung cấp các kiến thức lựa chọn sản phẩm cho khách hàng, hỗ trợ đội sales bán hàng một cách hiệu quả nhất. Ngoài kênh website, một Digital Content Manager còn chịu trách nhiệm mảng nội dung trên các trang mạng xã hội của công ty đó. Tuy nhiên sẽ có những trường hợp ngoại lệ, một Digital Content Manager sẽ chỉ làm mảng web, không làm mảng Social vì đã có Social Content Manager. Tóm lại là do nhu cầu của từng tổ chức khác nhau mà bảng mô tả công việc của mỗi Content Manager sẽ có sự khác nhau đôi chút.

CONTENT kỹ thuật số khác thế nào với CONTENT được in ấn?

 

Có lẽ mình nhắc khá nhiều cụm từ Digital Content Manager vì vốn dĩ chuyên môn của mình liên quan tới Digital nhiều hơn cả. Tuy nhiên mảng in ấn dù đang đi xuống nhưng vẫn tồn tại song song. Hẳn nhiên, làm nội dung cho kênh Digital & làm nội dung để in ấn sẽ hoàn toàn khác nhau. Vấn đề này mình xin phép được rủ rê các bạn đọc lại bài viết của mình đã xuất bản vào ngày13-04-2018 trong link sau: Sự khác biệt giữa BÁO IN và BÁO MẠNG - Chúng mình không nên cãi nhau! Trong bài viết này, mình đã liệt kê khoảng 8 điểm khác biệt giữa báo mạng và báo giấy và tại sao cùng là team content nhưng các thành viên ở một số tòa soạn luôn có sự bất đồng quan điểm.
 

CONTENT & SEO có xung đột với nhau hay không?

 

Mình đã có cơ hội được tiếp xúc và làm việc với 4 bạn chuyên gia về SEO ở các môi trường khác nhau. Mình có thể kết luận một điều là phong cách làm SEO của mỗi người khác nhau. Có người chỉ muốn nhồi nhét từ khóa, hoặc bắt viết những đề tài không liên quan tới lĩnh vực ngành nghề của công ty, hoặc không quan trọng nội dung có phù hợp hay gượng gạo với độc giả hay không. Điều duy nhất họ quan tâm là số lượng organic traffic đổ về website. Tuy nhiên vẫn có một số, tuy rất là ít có sự quan tâm đến tầm quan trọng của một bài viết bổ ích. Làm việc với những bạn này mình thấy rất nhẹ nhõm, bởi khi sản xuất ra một nội dung mà nó quá tào lao mình cũng không dám đặt để tên mình vô bài viết.

Ngoài ra sẽ có một số tình huống team SEO bắt team CONTENT viết quá nhiều hoặc viết quá dài, mặc kệ sự phản ứng trong vô vọng của team content do không đủ nguồn lực.

 

CONTENT MARKETING & DIGITAL PERFORMANCE có vai trò như thế nào với nhau?

 

Bạn có biết Content trong thế giới Digital có 2 dạng khác nhau. Một dạng phục vụ organic traffic là các bài blog, bài PR. Dạng còn lại phục vụ chạy quảng cáo cho đội Performance Marketing. Vì phục vụ cho hai mục đích khác nhau nên tính chất content sẽ khác nhau. Bài Blog và PR thường dài, thậm chí tới 2000 chữ chứa khá nhiều kiến thức. Bài ads ngược lại thường khá ngắn gọn, chứa các thông tin khuyến mãi xúc tích. Người tạo ra hai thể loại content này sẽ có phong cách làm việc khác nhau, vì vậy lối tư duy của họ cũng sẽ khác nhau. Một bên khá coi trọng tính branding & hình ảnh thương hiệu, một bên chỉ coi trọng việc ra đơn hàng. 

Trong tất cả các tổ chức mình đã làm việc, Content Marketing & Digital Performance thường chạy song song và không lệ thuộc vào nhau quá nhiều. Content Marketing làm việc khá độc lập với đội Digital Performance. Nếu nói về tính chất hỗ trợ lẫn nhau thì thật ra tất cả các phòng ban trong một tổ chức đều có thứ trách nhiệm này. Performance Marketing vẫn có thể đặt hàng để team Content sản xuất ra các nội dung nhằm phục vụ cho top & middle funnel thuộc phễu trong Marketing (Bạn có thể đọc thêm kiến thức này tại đâyCòn lại, đội Performance Marketing sẽ chủ động tạo content cho end funnel users.

Nếu bạn muốn hiểu rõ hơn những kiến thức tổng quát quan trọng về Digital Marketing, vui lòng đọc bài viết trong link này.

 

CONTENT Manager & PR Manager giống và khác nhau ở điểm nào?

 

Điểm giống nhau cơ bản là cả hai đều tạo ra các bài viết hướng tới việc xây dựng thương hiệu cho công ty. Điểm khác nhau đó là Content Manager sẽ tập trung sản xuất & phát triển nội dung cho khách hàng đã biết tới công ty đọc. Còn PR Manager sẽ tập trung sản xuất nội dung cho các khách hàng chưa biết tới công ty đọc.

Sẽ có trường hợp ngoại lệ 2 vị trí này nhập lại với nhau tùy cơ cấu tổ chức của từng công ty. Tuy nhiên bạn phải hiểu, PR cần quan hệ với các cơ quan truyền thông báo chí nhiều nên họ biết rõ loại nội dung thế nào đăng ở đâu là phù hợp nhất. Content Manager ở phía ngược lại, họ thiên về việc phải hiểu khách hàng hiện tại có nhu cầu gì và cần phải bổ sung thêm những kiến thức gì.

Nhiệm vụ của Content Manager chính là nuôi dưỡng lòng trung thành của khách hàng đối với thương hiệu.

 

Vai trò của biên dịch đối với nghề CONTENT

 

Trước khi viết bài này mình đã đọc cuốn Why We Sleep của Matthew Walker do Hải Đăng x NXB Lao Động hợp tác xuất bản và một số tác phẩm khác cũng được dịch lại từ các tác phẩm nước ngoài, mình cảm nhận khâu hiệu đính phần dịch thuật của những cuốn sách này khá nhiều sạn. Đó là lỗi dịch vụng, lặp từ xảy ra liên tục, đến nỗi thôi thúc mình phải viết một bài nói về quan điểm của bản thân liên quan đến kỹ năng dịch thuật, cũng như các vấn đề khác liên quan tới chuyên môn viết content của mình. Đây là lý do chính khiến mình đang ngồi cặm cụi viết bài này. Như đã đề cập trong phần đầu của bài viết, kỹ năng dịch thuật hay biên dịch là một trong những kỹ năng vô cùng quan trọng của nghề làm Content. 
 
 
Sau rất nhiều lần đọc được những bài dịch kém chất lượng của một số bạn làm về content, thậm chí dịch mà copy paste nguyên y từ google dịch không thêm bớt chỉnh sửa lại cho người đọc hiểu ý muốn nói gì thì mình luôn luôn nói với các bạn nhân viên trong team mình hoặc các bạn mình sắp tuyển dụng hoặc hợp tác trong tương lai rằng: chúng ta đang làm nghề content, chứ không phải làm nghề biên dịch.
 
Người tạo content chỉ nên dùng kỹ năng biên dịch để nghiên cứu thông tin và vì thế bài viết phải là giọng văn của mình. Không thể bê nguyên xi giọng văn người nước ngoài cho người Việt Nam đọc vì lối hành văn chắc chắn khác nhau. Các bạn cũng đừng nên đổ lỗi cho google translate, bởi nó chỉ là một công cụ và quan trọng chúng ta có biết sử dụng chúng hay không.
 
Hơn nữa, đối với các lĩnh vực liên quan đến sức khỏe. Một bài viết mà cung cấp các kiến thức về sức khỏe sai sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sự sống và cái chết của người đọc chúng. Mình đã từng làm cho một tổ chức về dược là Abbott, hiểu rất rõ các kiến thức y dược phải được chính bác sĩ có chuyên môn viết ra. Dù người viết là bác sĩ nhưng vẫn phải qua nhiều khâu kiểm duyệt nội dung nghiêm ngặt vì cũng có trường hợp bác sĩ viết sai. Hiện mình đang viết content cho một trang web chuyên về sức khỏe là www.ngungonsongtron.com nên mình đặc biệt lưu ý tính chính xác của từng bài viết, đồng thời luôn luôn dẫn nguồn đầy đủ. Mình nghĩ đây là thứ trách nhiệm mình buộc phải tự đặt ra cho bản thân dù chẳng ai yêu cầu. Mình nghĩ một người làm content có tâm và chuyên nghiệp là phải như vậy.
 

Bài viết hiện tại đã quá dài, tuy nhiên mình thật sự hy vọng bài viết này đã giải đáp phần nào cho những ai yêu thích và muốn dấn thân vào nghề Content trong tương lai. Chúc các bạn may mắn!

Xem thêm: 

Content Marketing - 7 bước để viết một bài article hoàn chỉnh

GiangGina [Một bài viết của deargiang.com]

Blogger:GiangGina

Thành lập vào một ngày tháng 6/2014, deargiang.com là nơi mình chia sẻ mọi cảm xúc, kiến thức và mối quan tâm về Digital - Management - Travel cũng như các vấn đề về cuộc sống khác. Các bài viết trên deargiang một phần do mình viết, một phần do mình sưu tầm. Các bài viết này có điểm chung là những kiến thức, những câu chuyện, những quan điểm và những chia sẻ về cuộc sống có giá trị lâu dài. Mình hi vọng các chia sẻ của mình nhận được sự đồng cảm. Mọi đóng góp nếu có vui lòng gởi về email: gianggina@yahoo.com

Thống kê lượt xem

Tổng truy cập 1,304,133

Đang online1