Sự khác biệt giữa BÁO IN và BÁO MẠNG - Chúng mình không nên cãi nhau!

[GG] Mình khá may mắn khi có cơ hội vừa làm báo in (báo giấy), vừa làm cả báo mạng nên rất muốn chia sẻ với các bạn một số nhận định của mình về đề tài này.

Ngày đăng: 13-04-2018

3,285 lượt xem

Cơ duyên làm content đến với mình rất tình cờ. Thật tình là mình không chủ ý chọn nghề, mà nghề chọn mình. Tuy nhiên giữa báo mạng và báo giấy thì Digital chọn mình trước, do mình chọn SEO trước, sau đó Digital Content của tạp chí ELLE Việt Nam chọn mình. Hiện tại, mình vẫn theo Digital Content nhưng may mắn được trải nghiệm làm một cuốn báo giấy cho tập đoàn CMG.ASIA. Sau đây, mình xin phép được liệt kê khoảng 8 điểm khác biệt giữa báo mạng và báo giấy và tại sao cùng là team content nhưng các thành viên ở một số tòa soạn, luôn có sự bất đồng quan điểm?

8 điểm khác biệt giữa báo mạng và báo giấy

1. Độ dài của bài viết:

Khỏi phải nói nhiều thì các bạn cũng đã biết, báo giấy rất hạn chế về đất diễn cho những con chữ lẫn hình ảnh. Một bài dài cả ngàn chữ, thêm vài bức hình nữa thì chỉ có báo mạng là vô tư thể hiện; nhưng theo tính chất nghiêm ngặt của báo giấy, ban biên tập có thể cắt đi rất nhiều sao cho chỉ được phép trình bày trên một trang khổ A4. Vừa rồi team SEO có yêu cầu team mình viết vài bài 3000 chữ/bài, nội dung dài loằng ngoằn như thế này chỉ có người làm trong ngành mới hiểu, đưa cho một bạn chuyên viết báo giấy, thế nào cũng bị bảo: luộm thuộm lê thê! Hiển nhiên bài dài thế này làm gì có chỗ xuất hiện trên mặt báo giấy. Muốn được duyệt in, phải cắt hết những gì thừa thãi không cần thiết, hoặc chia ra chục bài để dành cho chục kỳ báo.

2. Độ dài của tiêu đề:

Mình từng tranh luận nhiều lần với nhiều người hồi còn làm tạp chí ELLE. Cơ bản các bạn biên tập viên báo giấy quen đặt tiêu đề hạn chế từ 5 tới 7 chữ rồi. Tiêu đề nào mà dài dòng là thế nào cũng không cảm thấy hài lòng. Thế là sinh ra tranh cãi. Điểm khác biệt này có lẽ là lớn nhất trong số những điểm khác biệt mà mình liệt kê trong bài viết này. Vì tiêu đề là sương sống của bài viết, quyết định traffic nhiều hay ít, hay hay dở. Tiêu đề của báo in thường quyết định theo cảm tính: cảm thấy hay là hay, thấy không hay là chưa hay. Còn đối với báo mạng, hay hay không sẽ được quyết định bởi số lượng traffic: có bao nhiêu người click đọc bài, có bao nhiêu lượt bình luận, chia sẻ, đóng góp tích cực hay tiêu cực, ... tất cả đều rất định lượng chứ không phải rất định tính như cách đặt tiêu đề của các bạn báo giấy.

3. Cách hành văn:

Cách viết và hành văn đối với báo in cực kỳ quan trọng. Không chỉ bởi đất diễn rất ít, mà còn bởi khả năng bôi xóa và edit là không có một khi báo đã hoàn thành khâu in ấn. Vì vậy, các bạn làm báo mạng có thể ẩu một chút nhưng các bạn làm báo in thì không. Những từ thừa như: thì, là, mà, sẽ,.... có thể bị cắt hết. Những gì lặp lại nhiều lần cũng bị cắt hết. Chứ còn báo mạng, bài mà dài 3000 chữ, kiểu gì cũng sẽ bị lặp lại cái gì đó. 

4. Chất lượng hình ảnh minh họa:

Báo in thì chất lượng hình ảnh phải khủng. Ngược lại, báo mạng chỉ cần bắt mắt, không cần file hình chất lượng quá cao như báo in. Cũng không quá quan trọng flatlay, mua hình, tổ chức chụp chuyên nghiệp như báo in. Hầu hết báo Việt đều lấy hình trên mạng có credit. Một số nơi sang một chút thì chi tiền cho copyright từ shutterstock chẳng hạn.

5. Định lượng độ hấp dẫn của bài viết:

Như đã đề cập một xíu ở mục 2, là báo in không thể định lượng độ hay dở bằng số lượng traffic, pageview, session, engagement hay time on site như báo mạng. Báo giấy hay báo in hay dở khó đong đếm, nhất là tình hình báo giấy hiện nay đang đi xuống: ít người mua báo giấy để đọc hơn trước. Mọi người tiến tới Digital hóa mọi thông tin vì tính tiện lợi, tốc độ, sự đa dạng và chi phí. Sẽ thật phiến diện khi bạn chê bai một bài báo mạng theo tiêu chuẩn của một bài báo giấy, và ngược lại.

6. Tần suất ra bài:

Báo giấy hiện nay ra báo ngày rất hiếm, báo tuần cũng hiếm, hầu hết là báo tháng. Một tháng ra một cuốn báo khoảng 100 tờ, mà đâu phải trang nào cũng đầy text. Còn báo mạng, những tờ lớn như kenh14, zingnews, yannews, một ngày vài chục bài là chuyện bình thường. 

7. Nhuận bút:

Vì báo mạng dễ dãi hơn báo giấy (do tính chất công việc) nên nhuận bút báo giấy luôn luôn cao hơn báo mạng. Vì nhuận bút cao, thường các bài báo giấy sẽ chất lượng hơn về độ xác thực và tính duy nhất.

8. Thủ thuật tăng traffic cho bài viết:

Báo mạng có sự hỗ trợ của Digital Marketing, của SEO, của rất nhiều thủ thuật IT khác mà báo giấy không có, thậm chí báo giấy muốn được nhiều người biết tới có công lớn của Digital, đặc biệt đúng trong thời đại hiện nay. Ngay cả báo mạng, nếu không dùng thủ thuật thì cũng sẽ không ai biết tới, nhưng ít ra báo mạng còn dùng thủ thuật được, báo giấy chủ yếu chỉ dựa vào sự tồn tại của thói quen đọc báo truyền thống mà thôi.

Hy vọng bài viết này đã cho bạn một cái nhìn về những người làm trong ngành BÁO IN & BÁO MẠNG. 

Một bài viết của GiangGina

Đọc thêm: Những điều có thể bạn chưa hiểu rõ về nghề Content, PR & Biên dịch

Blogger:GiangGina

Thành lập vào một ngày tháng 6/2014, deargiang.com là nơi mình chia sẻ mọi cảm xúc, kiến thức và mối quan tâm về Digital - Management - Travel cũng như các vấn đề về cuộc sống khác. Các bài viết trên deargiang một phần do mình viết, một phần do mình sưu tầm. Các bài viết này có điểm chung là những kiến thức, những câu chuyện, những quan điểm và những chia sẻ về cuộc sống có giá trị lâu dài. Mình hi vọng các chia sẻ của mình nhận được sự đồng cảm. Mọi đóng góp nếu có vui lòng gởi về email: gianggina@yahoo.com

Thống kê lượt xem

Tổng truy cập 1,306,486

Đang online2